Có thể nói, không gian kinh tế Việt Nam từ năm 2016 trở đi sẽ rộng mở và vượt xa biên giới cố hữu với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hàng loạt hiệp định tự do mậu dịch, mà tiềm năng nhất là FTA với EU. Những cánh cửa đầy triển vọng đó có khả năng mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và hứa hẹn lạc quan cho người dân.
Bối cảnh kinh tế năm nay (2016) khá giống với 10 năm trước. 10 năm trước (2006), thông tin Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã gieo hưng phấn mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư, thể hiện cao trào nhất là ở lĩnh vực chứng khoán. Chưa đầy 4 tháng đầu năm 2006, VN-Index đã vọt lên hơn gấp đôi, từ 307 điểm lên 632 điểm. Thị trường lúc đó “nóng” đến mức, Báo Thanh niên số đặc biệt ra ngày 30/4/2006 đã giật tít lớn “Chứng khoán nóng: Mừng hay lo” để đăng trọn bài nhận định về thị trường của tôi trên trang nhất. Đây là chuyện hiếm thấy! Niềm hưng phấn ấy đã kéo dài thêm gần 1 năm sau và chỉ số VN-Index leo lên mức kỷ lục 1.170 điểm vào tháng 3/2007.
Gọi khá giống chỉ là cảm quan, tôi cho rằng, bối cảnh kinh tế hiện nay tốt hơn nhiều so với 10 năm trước. Thế nhưng, có vẻ như chúng ta lại đang bước vào những ngày đầu năm với tâm tư nặng hơn đáng lẽ. TTCK không hồ hởi như năm 2006. Thay vào đó là không khí có hơi hướng bi quan, giao dịch chùng xuống, sắc đỏ bao trùm, vốn hóa “bốc hơi” 30.000 tỷ đồng chỉ trong vòng một tuần... Tại sao?
Cái bóng trong gương ấy có thể bị chao nghiêng do bụi mờ, bị méo lệch do thời tiết, do sự không hoàn hảo của chính tấm gương... Vậy thì một lúc nào đó, nếu ta thấy cái bóng ấy có xấu hơn đời thực, thì chẳng nên vội định kiến, đơn giản vì đó chỉ là cái “vô hình” nhất thời, bối cảnh phía trước mới là cuộc sống thật đang vận động. Chút ví von ở đây để ta dễ hình dung, chứ không để so sánh. Bởi chứng khoán không như cái bóng trong gương, không là sự sao chép như “thị trường gương kính”.
TTCK là một thực thể hữu hình. Thực thể này vận động song hành và bổ sung “dầu nhớt” cho các lĩnh vực “cơm áo gạo tiền” khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, do nó có thuộc tính “phản ánh”, là thứ hao hao giống cái gương, nên những diễn tiến ở đó cũng được xem là không hoàn toàn thật và rất có thể ảo.
Không hoàn toàn thật, do đây là thị trường có đặc điểm dẫn xuất, được chuyển hóa từ cái gốc đầu tư trực tiếp, từ hoạt động doanh nghiệp. Giá cả cổ phần do đó sẽ thường (hay luôn) thoát ly giá thực, là cao hơn hay thấp hơn, được gia cường theo kỳ vọng và gia vị với các hành xử chủ quan. Đồng thời, do đây là thị trường của niềm tin nên nó rất nhạy cảm, dễ bị hư ảo bởi tác động ngoại lai, dễ bị các đội lái dẫn dắt, hay thậm chí bị “chơi bằng tay” (tác động giả tạo/manipulation).
Để nhận ra các thực tế này thực ra không khó, nhưng sẽ khó lý giải và chẳng dễ trong các quyết định đầu tư. Tuy nhiên, trước sự thăng hoa hay tàn lụi giá của một cổ phiếu, hoặc sau các đợt càn quét tàn nhẫn của một cơn bão nào đó, lại có thể là cơ hội của nhiều NĐT. Và quái ác, cứ thế nó cuốn hút...
Thực và ảo trên TTCK có đặc điểm trộn lẫn và đan xen nhau. Điều này đã có từ nhiều trăm năm nay ở khắp nơi trên thế giới, chứ không riêng gì tại Việt Nam. Trong khi tâm lý thường tình của con người là chuộng cái thực, thì đừng quên việc biết nhận ra và thủ đắc những cái ảo hấp dẫn sẽ là cách cao tay để ta có phần thưởng. Đây chính là cuộc chơi cân não trên TTCK vậy.
Chẳng đâu xa, ngay trong thời gian thị trường nhuộm sắc đỏ của những ngày đầu năm 2016, tôi biết (ít ra là trong tầm quan sát được) không ít NĐT đã “biết tham” và âm thầm tích lũy. Cũng vậy, trong điều kiện lãi suất tiết kiệm thấp, những trường hợp không ồn ào mà sinh lợi từ 10 - 20% trong năm qua là những điển hình cho mặt thực. Tôi cho rằng, NĐT chứng khoán rất cần có kỹ năng nuôi trồng, thay vì chỉ biết hái lượm.
Thật ra, câu chuyên thực và ảo trên thị trường được phân tích ở đây chỉ là để dẫn chuyện cho vui, chứ chẳng còn mới mẻ. Vấn đề lại thuộc về bản chất, bởi nếu không phải vậy thì đã không có thị trường, giao dịch không diễn ra và cuộc chơi không hấp dẫn. Dẫu sao, bên cạnh sự thừa nhận thực hư như chất men thị trường, ta cũng cần biết tuy chứng khoán là sản phẩm của trí tuệ, nhưng mục đích của nó lại rất đời thường.
Do loại tài sản trong quan hệ đời thường này chỉ có thể tin, chứ không thấy được, nên yêu cầu về hành lang pháp lý, môi trường minh bạch, tính chuyên nghiệp, với các thông lệ hành xử trung thực và hội nhập, sẽ vô cùng cần thiết. Đây là thiên chức của những nhà kiến tạo thị trường, là những thứ có lẽ ở ta đang còn thiếu và yếu.
NĐT không ngại sự hư ảo của bản chất thị trường, nhưng họ sẽ rất sợ những cái ảo do lỗi định chế gây ra: từ việc ghi nhận sổ sách, triển khai nghiệp vụ, đến cách nghĩ, cách làm. Theo đó, không loại trừ những vấn đề như mệnh giá cứng, khái niệm vốn điều lệ, cổ tức phần trăm bằng cổ phiếu, phát hành nội bộ, “ưu tiên chiến lược”... là những đầu dây mối nhợ gây ảo.