Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde. (Nguồn: THX/TTXVN)
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada và Anh tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định, song tại một số nước khác như Đức và Italy, xu hướng này lại đảo chiều.
Theo báo cáo công bố ngày 8/9 của tổ chức trên, kinh tế của 18 nước thành viên thuộc Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang có dấu hiệu suy giảm với tốc độ tăng trưởng yếu. Đây được coi là điều đáng thất vọng sau khi nhiều chính phủ và các nhà kinh tế học nỗ lực tìm kiếm những dấu hiệu chứng tỏ liên minh tiền tệ này đang dần phục hồi.
Trong khi đó, đánh giá về nền kinh tế toàn cầu trong năm nay, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, cho rằng về tổng thể, kinh tế thế giới vẫn chưa thể hồi phục chắc chắn và thể chế tài chính đa phương này nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của năm.
Trả lời phỏng vấn tờ Les Echos của Pháp ngày 8/9, bà Lagarde đánh giá rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn “quá yếu, mong manh và thất thường.”
Bên cạnh đó, các yếu tố rủi ro địa chính trị, như xung đột tại Ukraine và căng thẳng tại Trung Đông cũng tác động tiêu cực tới chỉ số tăng trưởng toàn cầu. Vì vậy, rất có thể IMF sẽ cắt giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Theo bà, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay có thể “sẽ chỉ vượt qua ngưỡng 3% một chút, tức là từ 3 tới 3,5%.
Ngoài ra, đề cập tới tình hình kinh tế Eurozone, Tổng Giám đốc Lagarde cho rằng các nhà lãnh đạo khu vực cần phải đưa ra những biện pháp cải cách cấu trúc sâu rộng hơn, tạo ra thị trường lao động linh hoạt hơn và đẩy mạnh yếu tố cạnh tranh nhằm phục hồi tăng trưởng trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế này vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát.
Cụ thể, bà Lagarde kêu gọi Đức tiếp tục tăng cường đầu tư vào các nước trong khu vực, và hối thúc Pháp và Italia cắt giảm thuế, tăng cường đầu tư công và nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách, nhằm góp phần củng cố đà tăng trưởng của Eurozone.
Tổng Giám đốc Lagarde cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Liên quan tới nền kinh tế Pháp, bà Lagarde hối thúc Paris đẩy mạnh cải cách cơ cấu để tạo đà cho tăng trưởng và đạt các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách.
Trong khi đó, OECD nhận định kinh tế Pháp vốn đứng trước nguy cơ rơi trở lại suy thoái đang cho thấy những tín hiệu khả quan khi tăng trưởng ổn định.
Tương tự, cùng ngày, Hội nghị Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cũng công bố dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm dao động từ 2,5-3%.
Theo các quan chức của cơ quan này, sau sáu năm trải qua "bão" tài chính được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, thế giới vẫn đang tìm kiếm một mô hình tăng trưởng bền vững, đòi hỏi các nước có những bước đi mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.
UNCTAD dự đoán các nền kinh tế mới nổi sẽ đạt mức tăng trưởng 4,5-5%./.