Mục tiêu đến năm 2020, nợ công việt nam chiếm 65% GDP, theo Chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài giai đoạn 2011-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Tỉ lệ này thấp hơn so với nhiều nước nên vẫn được coi là an toàn. Thế nhưng, dưới những góc nhìn khác, vẫn có những rủi ro tiềm ẩn.

Nếu đầu tư không hiệu quả, không có nguồn thu cho ngân sách, thì gánh nặng nợ nần tiền thuế của dân sẽ phải gánh.

Mục tiêu đến năm 2020, nợ công việt nam chiếm 65% GDP, theo Chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài giai đoạn 2011-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Tỉ lệ này thấp hơn so với nhiều nước nên vẫn được coi là an toàn. Thế nhưng, dưới những góc nhìn khác, vẫn có những rủi ro tiềm ẩn.

Mức nợ công tính đến cuối năm ngoái ước khoảng 58% GDP, không phải là lớn. Thế nhưng, nếu tính cả nợ của các tổ chức mà Chính phủ sở hữu trên 50% vốn, ước tính số nợ công sẽ tăng lên khoảng 80% GDP. Nếu nhìn như thế thì thấy 58% hay 80% của Việt Nam cũng chưa có gì đáng lo ngại. Rủi ro là ở chỗ, khi những khoản mà thực chất là nợ công không được tính, thì việc thống kê, quản lý, đưa ra chính sách sẽ không sát thực tế. Theo bà Lê Tám, đại biểu Quốc hội Khóa 13, Đoàn Nghệ An, khi nợ công chưa bao gồm các khoản nợ từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, cộng thêm khoản nợ mà Chính phủ đóng góp vào quỹ lương và bảo hiểm hưu trí thì rủi ro là mục tiêu đưa ra để điều hành sẽ thiếu tính thực tế.

Trong khi chưa tính đủ các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước thì một nghiên cứu mới đây của Quốc hội và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc đã cảnh báo rủi ro khi Việt Nam chi trả cho những thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước.Về vấn đề này, ông Lê Nam, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Khóa 13, tỉnh Thanh Hóa, cho rằng những doanh nghiệp nhà nước đầu tư không hiệu quả, gây mất vốn Nhà nước thì nhất định không cứu. Theo ông, nếu cứu cũng không cứu được, trong khi lại thêm nguy cơ thất thoát tiền thuế của dân. Tương tự, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng 100 người thì có đến 99 người, trong đó có ông, phản đối việc tiếp tục cấp vốn cho doanh nghiệp nhà nước khi họ đầu tư kinh doanh không hiệu quả. Việc Nhà nước đi vay rồi cho doanh nghiệp nhà nước vay lại, nhưng sử dụng không hiệu quả, hết tiền, Nhà nước lại phải trả, đã là bài học sâu sắc.

Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến hết năm 2010, nợ phải trả nước ngoài dùng để cho vay lại đã là 11,2 tỉ USD, tăng khoảng 2 tỉ USD so với năm 2009. Còn với dự án được Chính phủ bảo lãnh, theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, tính đến cuối năm 2010, chỉ riêng số dư các khoản cho vay của các ngân hàng trong nước được Chính phủ bảo lãnh đã là trên 26.000 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu là bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ. Thế nhưng cũng tính đến cuối năm 2010, có tới 39/62 dự án được bảo lãnh không có báo cáo, 20/62 dự án có báo cáo nhưng lại không đầy đủ theo quy định. Trong khi đó, số tiền Bộ Tài chính phải ứng ra trả nợ thay cho các dự án, đơn vị được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài lũy kế mỗi năm một lớn hơn. Năm 2009 là 1.364 tỉ đồng. Năm 2010 là 1.675,6 tỉ đồng. Còn năm 2011 tăng lên 2.436,8 tỉ đồng.

Một rủi ro nữa có thể xảy đến đối với nợ công khi nhìn vào tình trạng đầu tư dàn trải. Không ít địa phương ra sức phê duyệt dự án trong khi nguồn vốn có hạn. Theo Báo cáo Kiểm toán 2010 của Kiểm toán Nhà nước mới công bố, Gia Lai trong năm 2010 phê duyệt tới 575 dự án với tổng mức đầu tư trên 5.243 tỉ đồng, gấp 3,4 lần kế hoạch vốn đầu tư xây dựng và gấp 9,6 lần kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Tình trạng này còn diễn ra ở nhiều địa phương như Sơn La, Phú Thọ, Ninh Thuận, Lâm Đồng… Nếu vốn đi vay trong nước, ngoài nước mà các địa phương cũng rải như thế, thì không thể không lo đến hiệu quả trong dự án đầu tư cũng như nguồn trả nợ.

Cũng liên quan về vốn, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, băn khoăn về tình trạng chạy dự án. “Tình trạng chạy dự án không có số liệu chứng minh, không có ai báo cáo. Nhưng để làm được dự án nào đó thì chủ đầu tư rồi nhà thầu phải chạy, vận động hành lang. Có dự án khoản này có thể chiếm tới 1/3 số tiền đưa vào đầu tư công. Ví dụ đưa vào 100 đồng, nhưng đến phút chót, số tiền vào công trình nhiều lắm chỉ 70%”, ông cho biết.

Hiện nay, vốn vay viện trợ phát triển chính thức chiếm khoảng trên 70% nợ công, nhưng không phải đơn vị nào sử dụng nguồn vốn này cũng có hiệu quả. Báo cáo Kiểm toán Nhà nước về quản lý và sự dụng vốn ODA của Bộ Y tế giai đoạn 2008 – 2010 cho thấy, một số gói thầu thời gian thực hiện kéo dài dẫn đến các trang thiết bị không còn phù hợp với nhu cầu thực tế, dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả.

Lẽ thường thì những khoản vốn vay nếu đầu tư hiệu quả, lãng phí chừng nào là khó khăn trả nợ chừng đó. Nếu đầu tư không hiệu quả, không có nguồn thu cho ngân sách, thì gánh nặng nợ nần tiền thuế của dân sẽ phải gánh. Và nếu thế hệ này không trả hết, thì thế hệ mai sau vẫn tiếp tục phải đóng thuế để trả.

Theo Vũ Dũng (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.