16/07/2015 10:11 PM
Báo cáo tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua về thực trạng quản lý và vận hành các nhà chung cư tái định cư trên địa bàn TP hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Trên địa bàn TP hiện có 173 tòa đã đưa vào sử dụng từ năm 2001 đến nay, với hơn 14.266 căn hộ tại 23 khu nhà ở, khu đô thị mới nằm trên địa bàn của 10 quận.

UBND TP Hà Nội đã giao Cty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội được giao tiếp nhận và quản lý 155 tòa; Tổng Cty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội được giao tiếp nhận và quản lý 18 tòa. Cho đến nay, đã tổ chức hội nghị nhà chung cư và bầu được 13 Ban quản trị tại 15 tòa. Đa số dân cư các tòa nhà tái định cư không muốn tổ chức và tham gia hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị nhà chung cư do dân không muốn đóng góp kinh phí để phục vụ công tác quản lý vận hành và bảo trì nhà chung cư.

Về giá dịch vụ quản lý vận hành, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, hiện 100% số tòa chung cư vẫn đang áp dụng theo mức giá quy định tạm thời (30.000 đồng/căn hộ); chưa thực hiện được việc thu phí theo khung giá dịch vụ công bố hàng năm của TP. Mặc dù 2 Cty được TP giao thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư đã xây dựng mức giá dịch vụ và các Sở, ngành đã thẩm tra trình UBND TP phê duyệt theo quy định hiện hành, nhưng người dân tại các tòa nhà chung cư tái định cư không thống nhất và yêu cầu Nhà nước phải hỗ trợ kinh phí quản lý vận hành từ nguồn thu diện tích kinh doanh dịch vụ. UBND TP đã giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất tỉ lệ hỗ trợ của Nhà nước trong giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư tái định cư.

Một số khu chung cư, tái định cư cho thuê kinh doanh khi chưa được phép.Ảnh minh họa

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, những tồn tại và vướng mắc trong công tác quản lý vận hành hiện nay là sự phối hợp của 2 Cty với UBND các quận, phường nơi có nhà chung cư chưa thường xuyên, liên tục-nhất là trong công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân tái định cư hiểu rõ quy định của Nhà nước và của TP trong việc quản lý sử dụng nhà chung cư nói chung và việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị nói riêng; người sử dụng nhà chung cư chưa hiểu rõ sự cần thiết của việc phải có Ban quản trị; việc đề cử người tham gia Ban quản trị để Hội nghị nhà chung cư bầu còn khó khăn. Đa số cư dân chưa thống nhất tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị vì cho rằng việc thành lập Ban quản trị là dồn trách nhiệm quản lý vận hành, bảo trì nhà chung cư cho người dân.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số người sử dụng nhà chung cư chưa cao và không đồng đều. Đa phần trước đây được sinh sống tại nhà ở riêng, thấp tầng nên còn giữ những tập tục, thói quen sinh hoạt theo nếp sống cũ, ý thức về giữ gìn thiết bị và sử dụng các phần diện tích chung còn hạn chế cũng tạo ra những khó khăn trong công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư. Mặt khác, kinh phí bảo trì được trích từ tiền bán nhà không nhiều do giá bán căn hộ thấp (nếu so với nhà ở thương mại), thậm chí có nơi không có kinh phí bảo trì (do bán trước ngày 1-7-2006, ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở năm 2005). Trong khi đó, sau nhiều năm sử dụng nhà chung cư đã xuống cấp phải sửa chữa khắc phục. Nếu các hộ dân phải đóng tiền sửa chữa thì đó là một khoản tiền không nhỏ không phải hộ dân nào cũng có khả năng đóng góp.

Về tình trạng một số khu chung cư, khu nhà tái định cư xảy ra lấn chiếm diện tích công cộng, sử dụng diện tích đất sai quy hoạch được duyệt để làm cơ sở kinh doanh dịch vụ, UBND TP phân tích nguyên nhân do các khu chung cư cũ được quy hoạch đã tồn tại nhiều năm. Nhiều khu vực chưa hoạch định được các khu vực và diện tích dành cho các mục đích công cộng và khu vui chơi cho trẻ em; do mưu cầu cuộc sống, thói quen sinh hoạt dẫn tới việc lấn chiếm sử dụng diện tích, không gian công cộng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ. Theo phân cấp, 2 Cty được giao quản lý các tòa nhà cùng chính quyền địa phương ngay từ đầu chưa có các biện pháp trong việc ngăn chặn việc lấn chiếm các diện tích công cộng, sử dụng diện tích đất sai quy hoạch được duyệt...

Giải pháp mà UBND TP đưa ra để quản lý có hiệu quả các tòa nhà chung cư, tái định cư trong thời gian tới là giao chính quyền địa phương kiểm tra, giải tỏa và thu hồi phần diện tích lấn chiếm đất công, diện tích công cộng, sử dụng diện tích đất sai quy hoạch được duyệt để làm cơ sở kinh doanh dịch vụ; kiểm tra rà soát các diện tích tại tầng 1 và phần diện tích khuôn viên xung quanh khu nhà, khu nhà cũ, các khu chung cư tái định cư. Tổ chức sắp xếp lại và thu hẹp diện tích kinh doanh dịch vụ, bán hàng, đỗ xe để tăng thêm diện tích sinh hoạt cộng đồng và sân chơi cho trẻ em. Cùng đó, tận dụng diện tích đất xen kẹt khu vực bố trí cho sinh hoạt cộng đồng, diện tích công cộng và sân chơi cho trẻ em; tăng cường kiểm tra, kiên quyết giải tỏa và thu hồi những diện tích lấn chiếm diện tích công cộng để có thêm không gian dành cho sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi công cộng và nhất là làm sân chơi cho trẻ em.

Vân Hà (Pháp Luật XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.