Thống kê của VnExpress, dựa trên báo cáo tài chính của 11 doanh nghiệp chuyên phát triển địa ốc tại TP HCM đến ngày 31/12/2014, tổng giá trị hàng tồn kho của các đơn vị này khoảng 24.000 tỷ đồng.
Công ty Quốc Cường Gia Lai và Phát Đạt lần lượt tồn đọng 4.100-5.400 tỷ đồng. Theo sau là Khang Điền, Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, Đầu tư Năm Bảy Bảy, Đầu tư Nam Long, Sacomreal tồn kho 2.000-2.600 tỷ đồng. Đất Xanh, Thủ Đức House, Hoàng Quân, Vạn Phát Hưng ứ đọng 500-1.500 tỷ đồng.
Trong nhóm này, ngoại trừ Thủ Đức House và Bình Chánh đặt mục tiêu thận trọng, các doanh nghiệp còn lại đều tự tin đề ra kế hoạch kinh doanh tăng mạnh so với năm trước nhờ vào lợi thế quỹ đất và hàng hóa dồi dào.
Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai không hề nao núng với núi hàng tồn kho trị giá hơn 4.000 tỷ đồng, trái lại doanh nghiệp tận dụng lợi thế này, tìm đối tác có hệ thống phân phối mạnh để hợp tác bán bớt các dự án tồn trong năm 2015. "Chúng tôi có quỹ đất nằm ở vị trí thuận lợi nên sẽ tùy thuộc vào tình hình thị trường mà bung hàng. Bất động sản bắt đầu khởi sắc nên năm 2015 là cơ hội tốt để doanh nghiệp có quỹ đất vươn lên", Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai, Nguyễn Thị Như Loan tiết lộ.
Dù hàng tồn kho đang ở mức 5.400 tỷ đồng, đại diện Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt tỏ ra bình thản, thậm chí coi đây là thế mạnh của doanh nghiệp trong giai đoạn thị trường hồi phục. Bởi lẽ, công ty phải có thực lực mới sở hữu được quỹ đất giá trị, đồng thời phải có tiềm lực tài chính mới xây dựng được nhà ở bán ra thị trường. "Chúng tôi thậm chí còn có kế hoạch phát triển thêm quỹ đất quy mô nhỏ, có thể xây dựng và bán hàng nhanh để phục vụ cho chiến lược đánh nhanh thắng nhanh trong năm 2015", ông nói.
Công ty Vạn Phát Hưng gần như sắp hoàn thành kế hoạch bán bớt quỹ đất cũ trong núi hàng tồn kho thu về 1.000 tỷ đồng trong năm 2015 để cơ cấu nợ và phát triển quỹ đất mới. Còn Sacomreal khi bị chất vấn về hàng tồn kho, đại diện HĐQT thừa nhận đúng là giá trị hàng tồn kho 2.000 tỷ đồng rất lớn. Tuy nhiên, tồn kho của công ty được thể hiện dưới dạng dự án đang triển khai hoặc quỹ đất sạch. Khi thị trường thay đổi theo chiều hướng tích cực, khả năng thanh hoán khối hàng tồn kho này khá cao.
Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản TP HCM đang tỏ ra lạc quan với giá trị tồn kho nghìn tỷ vì cho rằng đây là lợi thế lớn khi địa ốc phục hồi. Ảnh: Vũ Lê
Công ty Hoàng Quân thậm chí còn tự tin giá trị hàng tồn kho hơn 800 tỷ đồng không phải vấn đề đối với doanh nghiệp. Bởi lẽ, khối hàng tồn đều là những dự án đang được triển khai, trong đó có khá nhiều hàng hóa sắp được bàn giao, đưa vào sử dụng, khai thác trong năm 2015. Hoàng Quân đặt kế hoạch doanh thu 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm 2014.
Riêng Nam Long và Khang Điền, hai nhà phát triển bất động sản có kết quả kinh doanh thành công trong năm 2014 gần như có chung kế hoạch tăng quỹ đất, tìm kiếm đối tác cùng phát triển dự án và không hề quan ngại về giá trị hàng tồn khá cao (2.000-2.600 tỷ đồng).
Trao đổi với VnExpress, ông Huỳnh Phước Nghĩa - Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) cho biết: "Tồn kho bất động sản được đánh giá tốt, xấu cần phải phân loại và tùy vào từng thời điểm. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khách quan cần thận trọng vì đây là con dao hai lưỡi".
Xét ở khía cạnh tích cực, hàng tồn thể hiện sức mạnh nội tại của doanh nghiệp vì chỉ những ông lớn (trường vốn) mới có quỹ đất và hàng hóa dồi dào. Tuy nhiên, ưu điểm của hàng tồn kho cũng giống như bề nổi của tảng băng chìm. Bề mặt bị khuất dưới tảng băng chính là khuyết điểm. Đó là các trường hợp hàng tồn ứ đọng một khoảng thời gian dài, quỹ đất chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính... sẽ trở thành gánh nặng. Lâu dần, hàng tồn có thể bóp chết khả năng tăng trưởng vì chi phí vốn đội lên. Doanh nghiệp chăm chút cho núi hàng tồn này còn bị mất chi phí cơ hội.
"Trong bối cảnh thị trường bất động sản tìm lại nhịp điệu tăng trưởng, doanh nghiệp địa ốc cần có cái nhìn thận trọng và đưa ra các phương án xử lý hàng tồn kho một cách hiệu quả để tránh đêm dài lắm mộng", ông Nghĩa nhận xét.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, Nguyễn Xuân Quang đánh giá, hàng tồn kho dưới dạng quỹ đất là yếu tố sống còn của doanh nghiệp địa ốc. Tuy nhiên, có quỹ đất trong tay vẫn chưa thể chắc thắng vì doanh nghiệp phải phát triển được dòng sản phẩm đúng với nhu cầu chi trả của thị trường. "Nếu chỉ có quỹ đất mà không triển khai được những hàng hóa đúng nhu cầu thì đây chính là mớ hàng tồn kho đem lại gánh nặng cho doanh nghiệp", ông Quang nói.
Trả lời câu hỏi hàng tồn toàn thị trường khá lớn, với nguồn cung bất động sản tại TP HCM không ngừng tăng lên từ đầu năm 2015, liệu có xảy ra kịch bản thừa cung hay không, ông Quang khẳng định chưa đến lúc Sài Gòn phải lo lắng về dư địa nhà ở.
Chuyên gia có hai thập niên phát triển bất động sản tại Việt Nam so sánh, tiềm năng của một đô thị lớn như TP HCM tương đương hoặc lớn hơn đôi chút Bangkok, Manila, Hong Kong. Về bài toán nhà ở đô thị, ước tính mỗi năm TP HCM có nhu cầu khoảng 70.000-100.000 căn hộ. Năm 2014 tuy nguồn cung đã tăng lên đáng kể nhưng chỉ có 14.000 căn tung ra thị trường. Ngay cả năm 2015 dù lượng sản phẩm tung ra tăng đột biến cũng chưa vượt ngưỡng cầu.
Bản chất thị trường bất động sản, theo ông Quang có 2 giai đoạn. Đầu tiên là thời kỳ "ăn no mặc ấm" tức là nhà chỉ phục vụ mục đích cơ bản là để ở, chủ yếu phát triển nhà giá rẻ. Giai đoạn thứ hai là nâng cấp đô thị, ăn ngon mặc đẹp, người đã có nhà muốn ở rộng hơn, đẹp hơn, cao cấp hơn. Tất nhiên xã hội lúc nào cũng có nhiều nhu cầu nhà ở khác nhau, tương tự như có người đi xe sang cũng có người đi xe bình dân.
Nhu cầu là lý thuyết, có khả năng chi trả hay không mới chính là thực tiễn. Lúc này thị trường phải quay trở lại vấn đề túi tiền của người dân. "Tôi tin rằng bất động sản Việt Nam chỉ mới phát triển ở giai đoạn đầu. Do đó, doanh nghiệp nào có thể cung ứng ra thị trường những sản phẩm nằm trong ngưỡng chi trả của người dân thì chắc chắn sẽ thắng", ông nhấn mạnh.