Huyền thoại vang bóng
Habico Tower là dự án xếp vào diện "siêu sang" của Hà Nội, được xây dựng trên khu đất hơn 4.490m2 tại số 288 Phạm Văn Đồng, huyện Từ Liêm, với vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD. Dự án được khởi công vào năm 2008 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2011. Chủ đầu tư của Habico Tower là một cái tên khá lạ trên thị trường địa ốc: CTCP Hải Bình.
Từ một dự án đình đám hàng đầu, Habico Tower đột ngột im hơi lặng tiếng trên thị trường BĐS rồi dần mất hút. Đến thời điểm này, dự án mới thi công đến tầng thứ 9 và chưa biết bao giờ công trường mới "sáng đèn" trở lại. Điều đặc biệt, dù là dự án siêu sang nhưng thông tin về Habico Tower khá mịt mù. Không có website riêng về dự án và website của Công ty Hải Bình cũng không thể truy cập được. Trên các sàn giao dịch BĐS cũng như mua bán BĐS online, cũng không có tên dự án này. |
Tuy nhiên, Habico Tower lại được bảo chứng bởi những tên tuổi nổi tiếng như nhà thầu Doosan, nhà đầu tư lớn là Công ty Dong Ri Won hay Công ty thiết kế Doul của Hàn Quốc. Ở thời điểm chào bán, mức giá từ 4.000USD/m2 sàn chung cư của dự án này thực sự gây sốc cho giới BĐS cả nước.
Với mức giá này, căn hộ rẻ nhất của tòa tháp có giá 21 tỷ đồng và căn hộ đắt nhất lên tới 85 tỷ đồng - một con số quá khủng, dù mặt bằng giá chung cư thời điểm 2008 không phải là thấp.
Lý giải cho sự đắt đỏ này, chủ đầu tư khẳng định tòa nhà sẽ sử dụng toàn bộ nội thất và hệ thống thiết bị thông minh của Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thậm chí căn hộ còn được lắp đặt nhiều thiết bị chưa từng có ở Việt Nam như: hệ thống sưởi sàn, vườn trong phòng, bồn tắm bằng gỗ Hinoki của Nhật Bản, sơn tường sản sinh ion âm tốt cho sức khỏe… và cả hệ thống kiểm tra y tế ngay trong từng căn hộ.
Đặc biệt, căn hộ còn có phòng Panic Room có chức năng bảo vệ, được thiết kế chống cháy, ngăn khói bảo đảm an toàn trước súng đạn, hỏa hoạn… Điều đáng nói, chỉ có khoảng 70% trên tổng diện tích chủ đầu tư ký hợp đồng với khách hàng là diện tích căn hộ, 30% còn lại là diện tích sử dụng chung của tòa nhà, như chỗ đỗ xe, bể bơi, phòng chơi golf, phòng tập thể thao, sân trượt băng…
Chẳng hạn khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ 280m2 nhưng thực tế chưa đầy 200m2 và họ sẽ được sở hữu một diện tích đỗ xe tương ứng với căn hộ, đồng thời được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giải trí miễn phí.
Như để minh chứng cho đẳng cấp của mình, tháng 8-2010, chủ đầu tư còn tổ chức một buổi lễ giới thiệu căn hộ mẫu của dự án theo phong cách sang trọng, xa xỉ, đẳng cấp mà dự án này hướng tới. Không chỉ có thế, chuyên gia Hàn Quốc còn hướng đến một kỷ lục trong xây dựng bằng việc hoàn thành một tầng nhà chỉ trong vòng 7 ngày. Tốc độ xây dựng được đẩy nhanh nhưng chất lượng luôn phải là tốt nhất và sẽ hoàn thành trong năm 2011.
Lắm đường lắt léo
Sự kiện đánh dấu mốc ngừng thi công vô thời hạn của Habico Tower là tháng 5-2011, khi nhà thầu tiến hành căng cáp dự ứng lực tại sàn tầng 9 khối căn hộ thì xảy ra sự cố bê tông sàn bị phá hủy. Ngay sau đó, dự án tạm ngưng thi công để giải quyết. Tại thời điểm đó, hàng loạt cuộc họp đã diễn ra và xung đột giữa chủ đầu tư Hải Bình với nhà thầu Doosan liên tục xảy ra.
Habico Tower được những người am hiểu thị trường BĐS dự báo sẽ còn bất động vô thời hạn. Thậm chí nếu kịch bản tốt nhất diễn ra, nghĩa là dự án có thể tái khởi động nhờ được chuyển nhượng hoặc đầu tư tiếp, nhưng cái mác siêu sang một thời sẽ là trở ngại trên con đường quay lại thị trường BĐS của dự án này. |
Chủ đầu tư cho rằng nếu sự cố tại các tầng dưới chưa được làm rõ và giải quyết triệt để, việc tiếp tục thi công đổ bê tông tầng 9 và các tầng tiếp theo sẽ gây rủi ro rất lớn cho chất lượng kết cấu phần thô toàn bộ công trình. Tháng 8-2011, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội tiến hành kiểm tra hoạt động xây dựng tại dự án Tòa tháp Habico.
Kết quả kiểm tra cho thấy chủ đầu tư và các nhà thầu chưa xuất trình Quyết định phê duyệt tổng dự toán, chứng nhận phù hợp về chất lượng công trình, chưa thực hiện quan trắc lún công trình phần thân, hợp đồng thuê tư vấn giám sát. Đơn vị tư vấn giám sát (CTCP Tư vấn Toàn Cầu) phân công một số cá nhân làm công tác giám sát không có chứng chỉ hành nghề theo quy định. Từ đó đến nay dự án này hoàn toàn án binh bất động.
Dù nguyên nhân sự đình trệ của dự án này được đổ lỗi do sự cố trên, nhưng theo nguồn tin ĐTTC có được, đằng sau dự án siêu khủng này còn nhiều điều "lắt léo". Trên thực tế, CTCP Hải Bình tiếng là chủ đầu tư nhưng lại đóng vai trò thứ yếu, gần như chỉ giúp đứng tên trên giấy tờ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thuận lợi triển khai dự án. Nguồn lực chính và chủ đầu tư thực sự của dự án là Công ty Dong Ri Won - nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, giữa 2 bên đã xảy ra tình cảnh "cơm không lành, canh không ngọt" liên quan đến vấn đề quyền lợi. Sau khi xảy ra sự cố cộng với một số rắc rối về mặt tài chính, chủ đầu tư Dong Ri Won gần như rút hết về nước, chỉ để lại một đơn vị nhỏ.
Từ đó, CTCP Hải Bình cũng nhanh chóng mất hút, để mặc dự án dầm mưa dãi nắng. Mặt khác, dự án này cũng đi vào vết xe đổ của nhiều siêu dự án khác đó là đói vốn. Dù có mức giá khủng 75-80,5 triệu đồng/m2, penthouse có mức giá 90-107 triệu đồng/m2 và đã xây đến tầng thứ 9, nhưng trên thực tế Habico Tower mới chỉ bán suất ngoại giao, suất đối ngoại và gần như chưa có tiền của khách hàng đổ vào.
Chính vì không có nguồn thu, lại gặp những rắc rối về thi công và xung đột giữa các chủ đầu tư, dự án đình đám này gần như mất lực, dẫn đến bất động suốt thời gian dài.
-
Lật lại dự án ngàn tỷ (K6): Golden Silk-chờ “điều kỳ diệu”
Với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng, nằm ở vị trí đắc địa tại cửa ngõ Tây Nam Hà Nội, sát đường vành đai 3, dự án Golden Silk (còn được gọi là Kim Văn-Kim Lũ) của Vinaconex 2 từng được mệnh danh là "miền đất của những điều kỳ diệu". Tuy nhiên, đã 3 năm kể từ ngày khởi công, "điều kỳ diệu" vẫn phải chờ bởi đến nay chỉ là một mảnh đất trống đã được hoàn thiện hạ tầng, kéo theo đó là những câu chuyện về đầu tư. <br/br>
-
Lật lại dự án ngàn tỷ (K5): Cảng Vân Phong tạm ngưng do... lỗi thời
Được đầu tư với tổng số vốn "khủng" hơn 6.000 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm khởi công, dự án cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong - cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam - đang "đứng bánh" chưa tìm được lối thoát. <br/br>
-
Lật lại những dự án ngàn tỷ (K4): Booyoung Vina - trái đắng FDI
Trong khi một số dự án FDI đình đám khác đã rục rịch khởi động trở lại sau một thời gian dài "đắp chiếu", thì Booyoung Vina - siêu dự án FDI của Công ty TNHH Booyoung (Hàn Quốc) - vẫn án binh bất động. Như vậy đã qua năm thứ 7, mảnh đất vàng này vẫn hoàn toàn là một bãi đất hoang. <br/br>
-
Lật lại những dự án ngàn tỷ Kỳ 3: “Bánh vẽ” Công viên phần mềm Thủ Thiêm
Khởi đầu rình rang với mức đầu tư 1,2 tỷ USD, chủ đầu tư còn tuyên bố đây là dự án công viên phần mềm lớn nhất ASEAN cùng viễn cảnh hoành tráng khi đi vào hoạt động. Nhưng trên thực tế chủ đầu tư chẳng làm gì và liên tục yêu sách để cuối cùng phải trở về con số không.