Không chỉ khổ vì nhiều dự án (DA) quy hoạch “treo”, gần 12 năm qua, người dân phường Long Hòa (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) còn lao đao với giá bồi thường quá “bèo” và cách giải quyết chẳng giống ai của chính quyền địa phương.

Bà con tổ 7, khu vực Bình An cho rằng: “Quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ nên để cho nhà đầu tư thỏa thuận giá với người dân để có đất”

Chồng chất dự án treo

Ngày 29-8-2001, tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ) có Quyết định 55/2001/QĐ-QĐ quy định lộ giới Quốc lộ 91B là 80m. Quyết định này quy định: “Không được xây dựng mới các công trình dân dụng, công nghiệp và các loại công trình kỹ thuật hạ tầng trong phạm vi lộ giới quốc lộ. Đối với các công trình dân dụng, công nghiệp đã có, chỉ được cải tạo chống dột, chống sập, riêng công trình kỹ thuật hạ tầng, không được cải tạo nâng cấp”. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký, nhưng phải đến năm 2007, thành phố Cần Thơ mới nâng cấp Quốc lộ 91B. Thay vì nâng cấp hết thì quốc lộ này chỉ được mở rộng mặt đường là 20m, để lại mỗi bên 30m (gọi là lề 30) đến nay vẫn chưa được xây dựng. Nhiều hộ dân ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều có đất bị ảnh hưởng bởi DA mở rộng lộ giới Quốc lộ 91B bức xúc: “Lề 30 bị “treo” nhiều năm khiến hàng trăm hộ không khai thác để sinh lợi. Chúng tôi bị mất đất, nhà cửa không xây dựng được đã là một thiệt thòi, nay muốn cất chòi, dựng tạm quán xá để buôn bán kiếm sống, sau này mở rộng quốc lộ sẽ tự nguyện tháo dỡ không bồi hoàn nhưng hễ dựng lên thì địa phương bắt tháo dỡ”.

Trong khi DA mở rộng Quốc lộ 91B đang “dậm chân tại chỗ” thì năm 2004, thành phố Cần Thơ phê duyệt phương án quy hoạch 1/500 xây dựng khu dân cư tại phường Long Hòa, diện tích 120,51 hécta do Công ty TNHH Xuân Lan (gọi tắt là Công ty Xuân Lan) làm chủ đầu tư. Do công ty Xuân Lan không đủ năng lực tài chính nên “vẽ” xong mô hình thì DA khu dân cư phường Long Hòa lại tiếp nối “điệp khúc” bị “treo” cho đến nay. Thay vì thu hồi DA do bị “ngâm” quá lâu gây thiệt hại nặng nề cho nhà nước và người dân, cuối năm 2008, thành phố Cần Thơ có văn bản san sẻ 54 hécta trong DA của Công ty Xuân Lan cho Công ty cổ phần Him Lam Cần Thơ xây dựng Khu đô thị tái định cư (KĐTTĐC) Cửu Long. “DA của Công ty Xuân Lan bị “treo” nhiều năm không chỉ khiến đất đai bạc màu, người dân có đất bị ảnh hưởng không thể canh tác, mất nguồn thu nhập lớn mà còn trở thành chỗ lý tưởng cho chuột, bọ trú ngụ phá hoại mùa màng, gây dịch bệnh”, ông Bùi Tấn Chung (SN 1970, ngụ 511, tổ 7, phường Long Hòa) nói.

Mập mờ mục đích khu ĐTTĐC

Ngày 22-6-2009, thành phố Cần Thơ có Quyết định 1846/QĐ-UBND quy hoạch xây dựng KĐTTĐC Cửu Long. Theo quy hoạch thì phía tây nam của khu đô thị này giáp với lề 30 Quốc lộ 91B. Cũng ngày 22-6-2009, thành phố Cần Thơ ra Quyết định 1850/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 khu ĐTTĐC Cửu Long. Điều khá lạ là DA này giao cho Công ty cổ phần Him Lam Cần Thơ làm chủ đầu tư, Trung tâm phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) Cần Thơ là đơn vị lập quy hoạch nhưng quyết định nói trên lại ghi cho TTPTQĐ Cần Thơ thành “chủ đầu tư lập quy hoạch”?! Với việc có tên hai chủ đầu tư nên việc định giá đất bồi thường cho các hộ dân chẳng giống ai.

Điều 4 của Quyết định 1850/QĐ-UBND nêu rõ khu ĐTTĐC Cửu Long “có hai khu chức năng ở riêng biệt gồm: Khu chung cư thấp tầng và cao tầng bố trí dọc theo Quốc lộ 91B; phần này nhà đầu tư sẽ đầu tư xây dựng và kinh doanh. Phần diện tích còn lại bố trí dạng nhà ở liên kế tái định cư (TĐC), sau khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng, nhà đầu tư phải giao lại cho thành phố để bố trí nhà ở TĐC”. “Như vậy, khu ĐTTĐC Cửu Long có hai chức năng là kinh doanh và TĐC nhưng thành phố Cần Thơ đứng ra thay nhà đầu tư thu hồi đất, đền bù giải tỏa là trái với quy định của pháp luật. Bởi việc thực hiện chức năng nhà ở xã hội và mục đích kinh doanh là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đối với chức năng nhà ở xã hội thì chính quyền địa phương có quyền đứng ra thu hồi và bồi thường theo giá nhà nước, còn nếu cho nhà đầu tư kinh doanh thì chính quyền địa phương không thể tùy tiện đứng ra thu hồi mà phải để nhà đầu tư thỏa thuận với dân. Nếu thành phố Cần Thơ tách khu ĐTTĐC này thành hai đồ án với hai chức năng riêng biệt, sau đó áp dụng hai cơ chế đầu tư, bồi thường, hỗ trợ TĐC thì mới không trái với các quy định của pháp luật. Chính sự nhập nhằng về mục đích, chức năng “hai trong một” của khu ĐTTĐC này là nguyên nhân phát sinh khiếu nại tràn lan trong thời gian qua”. Bà Lâm Tiên Mai (ngụ số 91/23/65 phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) phản ánh.

Mặc dù có Quyết định về việc quy định đối với hành lang lộ giới 91B nhưng ngày 27-5-2010, thành phố Cần Thơ ban hành thêm Công văn 2499/UBND-KT, thống nhất mở rộng diện tích DA KĐTTĐC Cửu Long giáp với Quốc lộ 91B đang hiện hữu với diện tích 19.235m2. Giao cho chủ đầu tư tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Công văn này không chỉ “đá” lại Quyết định 55/2001/QĐ-UB mà thành phố Cần Thơ còn “lấn” sang quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải. (Còn tiếp)

Hải Văn (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.