Ngay từ khi dự thảo Nghị định về thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được công bố, đã có rất nhiều ý kiến cảnh báo về tính hiệu quả của VAMC. Thế nhưng, Nghị định 53/2013/NĐ-CP được ban hành vẫn không có nhiều thay đổi. Mới đây, lãnh đạo của VAMC đã phải thừa nhận khó khăn trong việc xử lý nợ xấu.

Mới đây, lãnh đạo của VAMC đã phải thừa nhận khó khăn trong việc xử lý nợ xấu. Ảnh: Tuệ Doanh

Theo VAMC, trong quí 1-2014, công ty này đã mua 3.929 tỉ đồng nợ gốc với giá 3.048 tỉ đồng từ việc phát hành trái phiếu đặc biệt. Tính từ lúc ra đời cho đến hết quí 1-2014, VAMC đã mua vào khoảng 42.829 tỉ đồng nợ gốc với giá 35.448 tỉ đồng. Như vậy, so với mục tiêu mua nợ xấu trong năm 2014 được công bố trước đó thì VAMC mới thực hiện được khoảng 3%. Cũng theo báo cáo của VAMC thì số tiền thu được từ việc xử lý nợ mới chỉ khoảng 300 tỉ đồng, tức chưa đến 1% giá trị khoản nợ.

Mô hình hoạt động của VAMC không giống bất kỳ một công ty mua bán nợ nào trên thế giới. Mô hình mà có người cho là sáng tạo và “không dùng tiền từ ngân sách” này không có chức năng mua bán và xử lý nợ xấu thực sự, nên VAMC không có quyền lực và động cơ trong việc này. VAMC thực chất chỉ là một nơi cất giấu nợ tạm thời cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Công ty này không trực tiếp xử lý nợ xấu mà chỉ đóng vai trò như một nhà môi giới và quản lý hộ nợ xấu của các TCTD. Việc bán nợ xấu cho ai, với giá bao nhiêu vẫn tùy thuộc hoàn toàn vào các TCTD đã bán nợ.

Ngay tại quốc gia có nền kinh tế, thị trường tài chính phát triển, hệ thống pháp lý minh bạch, hiệu quả, nguồn nhân lực dồi dào và trình độ cao thì việc xử lý nợ xấu cũng rất khó khăn và thời gian thường kéo dài 3-7 năm. Ở Việt Nam, thị trường mua bán nợ xấu gần như không có, hệ thống pháp lý thiếu, kém minh bạch, việc thực thi pháp luật kém hiệu quả và nguồn nhân lực yếu thì việc xử lý nợ xấu lại càng khó khăn gấp bội.

Việc VAMC đặt mục tiêu sẽ mua từ 100.000-150.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm 2014 là hoàn toàn không khả thi. Nguyên nhân vì con số này còn lớn hơn số nợ xấu theo báo cáo chính thức của các TCTD. Ngoài ra, giả sử nếu VAMC mua được 150.000 tỉ đồng nợ xấu, thì số tiền TCTD phải trích lập dự phòng nợ xấu trong năm 2014 sẽ lên tới 30.000 tỉ đồng. Con số này cao hơn tổng lợi nhuận năm 2013 của tất cả các ngân hàng cộng lại. Đó là một cái giá quá đắt và khó chấp nhận đối với bản thân các TCTD và ngay cả với Ngân hàng Nhà nước. Thông tư 02 về phân loại nợ xấu trì hoãn đến lần thứ hai là một minh chứng rõ ràng cho việc đó.

Vấn đề đối với việc xử lý nợ xấu không chỉ là các rào cản kỹ thuật mà còn ở cơ chế. Một tỷ lệ rất lớn nợ xấu hiện nay là từ doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước (doanh nghiệp nhà nước sở hữu trên 50% vốn) và các công ty sân sau của ngân hàng hoặc những người có liên quan. Nếu việc xử lý nợ xấu được tiến hành quyết liệt thì nhiều mảng tối trong cấp tín dụng và cho vay sẽ lộ ra. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ bằng kiện tụng, thanh lý tài sản đảm bảo của những doanh nghiệp có “ô dù” tuy là điều rất nhiều người không muốn nhưng cũng không dễ dàng.

Mô hình VAMC hiện nay không thể xử lý được nợ xấu. Việc khoanh nợ rồi “đánh cược” vào sự phục hồi của nền kinh tế để nợ xấu “tự biến mất” cũng khó khả thi. Nếu nợ xấu tiếp tục trì hoãn không được xử lý thì vấn đề sẽ càng trở nên trầm trọng.

Hiện nay, không có một mô hình nào tốt hơn mô hình mà tất cả các quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng là phải dùng đến tiền thật. Nhà nước cũng phải có quyết tâm rất lớn, vượt qua được rào cản từ các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, nếu với những con người đó, cơ chế đó, lối tư duy đó thì dù có một mô hình tốt, phương pháp hay đến đâu cũng khó vận hành thành công.

VAMC, khó khăn, cảnh báo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.