CafeLand – Tính đến ngày 1/6/2016, thời gian giải ngân gói 30.000 tỷ sẽ hết hạn, nhưng tới nay gói tín dụng này vẫn chỉ mới giải ngân được khoảng gần 30%. Nhiều ý kiến lo ngại, nếu không có những điều chỉnh kịp thời gói 30.000 tỷ có khả năng bị phá sản?

Chỉ mới giải ngân được gần 30%

Theo thông tin từ Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây Dựng), đến thời điểm 31/5/2015, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đã đạt được tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng là 14.161 tỷ đồng (gần 50% tổng gói hỗ trợ).

Trong đó, số tiền cam kết với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đạt 8.817 tỷ đồng (với 18.062 trường hợp đã được cam kết cho vay). Số tiền cam kết với chủ đầu tư dự án là 5.344 tỷ đồng (37 dự án đã được cam kết cho vay). Tổng số tiền đã giải ngân là 7.621 tỷ đồng (đạt 25,4% ).

Số giải ngân thấp hơn số cam kết bởi phải phụ thuộc tiến độ thi công và hoàn thành các dự án nhà ở mà người dân đã vay để mua, thuê mua. Thực tế đã có 17.624 hộ gia đình, cá nhân được giải ngân vốn vay với số tiền 5.520 tỷ đồng; 33 dự án đã được giải ngân với số tiền 2.101 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân chậm trễ của gói vay 30.000 tỷ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ những thủ tục xác minh tình trạng nhà, ngân hàng ngại cho vay và đặc biệt là việc bắt người vay phải chứng minh thu nhập là quá khó đối với người vay thu nhập thấp.

Theo bà Phạm Thị Thu Hiền, Viên nghiên cứu Phát triển Tp.HCM cho biết, với cách tính đối với người thu nhập thấp hiện nay thì rất ít người có thể tiếp cận vay gói 30.000 tỷ.

Bà Hiền nói: “Chúng tôi lấy mức 8,5 triệu/đồng tháng để chạy thử bảng tính cho 4 dự án nhà ở xã hội vừa mở bán đầu năm 2015 trên địa bàn Tp.HCM thì mức chi phí cho dự án có giá trị thấp nhất cũng đã chiếm gần 50% thu nhập của họ”.

Theo bà Hiền, nếu tính theo cách này thì các ngân hàng không thể cho người thu nhập thấp vay và ngược lại người vay cũng không thể có đủ khả năng để chi trả khoản lãi suất hàng tháng được.

Gói 30.000 tỷ liệu có được cởi trói?

Mới đây, Bộ Xây Dựng đã có đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng được chỉ định giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng khi làm thủ tục, không yêu cầu người được hưởng chính sách phải chứng minh thu nhập có thuộc diện phải chịu thuế thu nhập hay không.

Đối tượng được hưởng chính sách này, là người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, người đã được nghỉ lao động theo chế độ, người lao động tự do, kinh doanh cá thể có khó khăn về nhà ở vay để mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc có tổng giá trị hợp đồng mua bán dưới 1,05 tỉ đồng.

Theo quy định, các trường hợp này chỉ cần đơn vị nơi công tác hoặc chính quyền địa phương xác nhận về tình trạng nhà ở là đủ.

Ông Châu cho biết, việc không bắt buộc người vay phải chứng minh thu nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giải ách tắc cho gói 30.000 tỷ. Theo ông Châu, người thu nhập thấp muốn mua căn nhà để được hưởng gói vay 30.000 tỷ thì người đó phải nộp trước 20%, còn lại vay 80% và bảo lãnh của khoản vay này bằng với bảo lãnh của chính căn hộ hình thành trong tương lai. Vậy nên, không nên bắt buộc người vay phải chứng minh thu nhập.

Tiến sĩ Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủ Đức House cho rằng, thủ tục vay gói 30.000 tỷ hiện nay rất phức tạp gây khó khăn cho chính doanh nghiệp và người vay mua nhà.

Mặt khác, gói 30.000 tỷ chỉ cho phép những nhà đầu tư vay để xây dựng nhà ở xã hội. Ông Hiếu cho rằng, gói này nên mở rộng thêm cho các doanh nghiệp vay để xây dựng các dự án nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá rẻ.

“Nhà ở xã hội hiện nay không nhiều, thủ tục vay lại rất phức tạp cho cả nhà đầu tư và người mua. Trong khi nhu cầu xây dựng nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, có giá rẻ lại rất nhiều. Nếu cho phép các doanh nghiệp được vay gói 30.000 tỷ để xây dựng nhà ở thương mại có diện tích nhỏ thì chắc chắn sẽ có rất nhiều doanh nghiệp tham gia. Gói tín dụng 30.000 tỷ sẽ được giải ngân nhanh chóng”, ông Hiếu nói.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.