Sự kiện GS Đặng Hùng Võ đối thoại với người dân Văn Giang không dừng lại ở cuộc đối thoại mà đây là việc thể hiện trách nhiệm của người từng giữ chức vụ quản lý nhà nước với đối tượng được quản lý. Tuy nhiên, dường như sự việc không thể đi đến hồi kết vì nhiều lý do trong đó có lý do GS Đặng Hùng Võ đã nghỉ hưu không còn chức năng giải quyết vụ việc trên cương vị quản lý Nhà nước. Báo VietNamNet xin đăng tải một số trao đổi để bạn đọc tham khảo.

Ngày 08/11/2012, GS Đặng Hùng đã có cuộc đối thoại với người dân Văn Giang và đại diện luật sư. Trong buổi đối thoại này, ông đã xin lỗi và thừa nhận sai sót, vi phạm trong việc thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) ký 02 Tờ trình gửi Chính phủ liên quan đến việc thu hồi đất tại Văn Giang - Hưng Yên.

Sau đó một tháng, thực hiện lời hứa trao đổi lại với người dân về những vấn đề còn khúc mắc, GS Đặng Hùng Võ qua báo chí đã viết bài hồi đáp người dân, trong đó có nêu một số điểm khác.

Ngay sau đó, LS Trần Vũ Hải và người Văn Giang đã có hồi đáp về các điểm mà GS Võ nêu trong bài viết. LS Hải nêu:

Không tư lợi nhưng...

"Giáo sư Võ là người phát biểu nhiều trên công luận về tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Riêng về cái gọi "đổi đất lấy hạ tầng", giáo sư Võ khẳng định như sau (theo Báo Tiền phong ngày 13/04/2012): "Khi soạn thảo Luật Đất đai năm 2003, cơ chế "đổi đất lấy hạ tầng" đã được xem xét rất kỹ lưỡng với việc phân tích các nguy cơ tham nhũng trong cơ chế này, và thấy rằng nguy cơ tham nhũng rất lớn", dẫn đến thay đổi về quy định này trong Luật đất đai 2003.

Riêng Dự án này, giáo sư Võ có thể đã nhẹ dạ, cả tin rằng (i) có một nhóm các nhà đầu tư có tiềm năng, (ii) muốn xây dựng đường cao tốc liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, đổi lấy 500ha đất tại Văn Giang, (iii) đường cao tốc liên tỉnh này là dự án giao thông trọng điểm, (iv) các địa phương ở Văn Giang đều đã nhất trí trước khi trình Thủ tướng, thể hiện trong Biên bản đề ngày 20/06/2004 do Sở TN-MT lập, (v) có chỉ đạo của Chính phủ đẩy nhanh phê duyệt Dự án trước khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực.

Trên thực tế:

(i) Nhóm đầu tư này là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO), thành lập tháng 08/2003, vốn điều lệ 70 tỷ đồng (đến 2006 mới góp đủ 70 tỷ đồng), không có cổ đông nào có kinh nghiệm về xây dựng giao thông đường bộ.

(ii) Nhóm nhà đầu tư trên chỉ mong muốn 500 ha đất để làm khu đô thị với giá đền bù rẻ, đường giao thông mới không phải là đường cao tốc, nếu xây cũng chỉ phục vụ tăng giá trị cho Khu đô thị. Mặc dù đã được giao đất làm đường, nhà đầu tư này vẫn chưa làm xong đường theo cam kết (hoàn thành trong năm 2009), và chưa thấy có dấu hiệu con đường này sẽ hoàn thành trong thời gian sắp tới.

(iii) Mặt khác, đường giao thông này không thể coi là Dự án giao thông trọng điểm vì không thấy dự án này trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được phê duyệt theo quyết định số 162/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định 2897/1999/QĐ-UB của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên đến năm 2010 có hiệu lực tại thời điểm 2004.

Nếu là một Dự án giao thông trọng điểm, lẽ ra Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) phải có ý kiến đề xuất, phê duyệt hoặc trình duyệt. Nhưng đến 30/06/2004, chưa thấy Bộ GTVT có ý kiến như vậy.

(iv) Theo biên bản của Sở TN-MT tỉnh Hưng Yên ngày 20/06/2004 có 35 quan chức địa phương tham gia thẩm định, nhưng chỉ có 01 đại diện Sở TN-MT ký và không đóng dấu và 34 người còn lại không ký, mặc dù trong biên bản ghi "đọc cho mọi người cùng nghe nhất trí ký tên". Ông Nguyễn Văn Tắng - Chủ tịch UBND xã Phụng Công, được coi là người trong danh sách tham dự thẩm định, ngày 17/08/2006 đã khẳng định tại trụ sở UBND xã với cử tri xã Phụng Công "về quy hoạch dự án tôi không hề được biết và tham khảo gì".

(v) Trong buổi đối thoại ngày 08/11/2012, giáo sư Võ nhắc đến chỉ đạo của Chính phủ, phải phê duyệt Dự án trước khi Luật đất đai có hiệu lực, bà con Văn Giang có yêu cầu giáo sư chỉ ra văn bản chỉ đạo, nhưng cho đến nay chưa thấy giáo sư Võ cung cấp văn bản này.

GS Đặng Hùng Võ đối thoại với đại diện bà con Văn Giang ngày 08/11/2012

Có trái luật?

Giáo sư Võ cho rằng luật sư của bà con Văn Giang dựa vào Quy chế làm việc của Chính phủ được ban hành năm 1998 để phân biệt thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Giáo sư Võ trích dẫn Điểm 1.1 khoản 1 Điều 2 Quy chế này rằng Thủ tướng có thẩm quyền giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng không do Chính phủ quyết định tập thể. Do đó, Thủ tướng ban hành 02 quyết định trên là đúng. Thực tế, luật sư Hải cho rằng luật sư chưa bao giờ dẫn chiếu Quy chế làm việc của Chính phủ được ban hành năm 1998 (vì quy chế này đã hết hiệu lực vào thời điểm 2004.

Các luật sư đã dẫn chiếu Quy chế làm việc của Chính phủ được ban hành kèm theo Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ngày 12/03/2003, điểm l khoản 1 Điều 2 Chính phủ quyết định tập thể: "l) Những vấn đề khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ."

Trong quy chế này, điểm a khoản 1 Điều 4 quy định Thủ tướng Chính phủ giải quyết các công việc sau đây:

a) Những vấn đề được Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, các văn bản pháp luật khác quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ và những vấn đề Chính phủ giao cho Thủ tướng Chính phủ giải quyết;

Như vậy, đã có sự thay đổi lớn trong Quy chế làm việc của Chính phủ tại thời điểm thông qua 02 quyết định số 303/QĐ-TTg và 742/QĐ-TTg nêu trên. Do 02 nội dung trong quyết định này thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo Luật đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001), và cũng không thấy Chính phủ đã giao quyết định 02 nội dung này.

Các luật sư không tìm thấy trong Nghị định, Nghị quyết nào của Chính phủ trong các năm 2003, 2004 nêu nội dung này.

Vào tháng 5/2012, các luật sư đã đề nghị Văn phòng Chính phủ cho biết có văn bản nào của Chính phủ giao việc không, nhưng chưa thấy Văn phòng Chính phủ trả lời.

Ngoài ra, Nghị định 66/2001/NĐ-CP đã sửa đổi Nghị định số 04/2000/NĐ-CP, theo đó Chính phủ đã thay thế Thủ tướng Chính phủ để quyết định các vấn đề về đất đai (trong đó có việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và giao đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, những nội dung trong 02 quyết định nêu trên). Nếu Chính phủ đồng ý Thủ tướng quyết định 02 loại nội dung này, rõ ràng nội dung sửa đổi này là không cần thiết phải quy định trong Nghị định 66/2001/NĐ-CP.

Khi Bộ TN-MT được thành lập tháng 11/2002, Chính phủ đã chấn chỉnh việc ban hành quyết định liên quan đến đất đai không phù hợp Luật đất đai. Nghị định 91/2002/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ TN-MT đã quy định rõ Bộ TN-MT trình Chính phủ, không trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành những quyết định về đất đai.

Như vậy, ông Võ phải biết rõ điều đó và khi nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ TN-MT vào năm 2002 phải tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ về nội dung này, không thể lấy lý do Quy chế làm việc của Chính phủ đã hết hiệu lực để trình sai địa chỉ và trái luật Đất đai.

Có phù hợp quy hoạch sử dụng đất?

Trong buổi đối thoại ngày 08/11/2012, giáo sư Võ đã khẳng định (theo sự hiểu biết của giáo sư tại thời điểm ký Tờ trình), 02 quyết định trên không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai từ 2001-2010 của tỉnh Hưng Yên (đã được phê duyệt năm 2002). Nhóm luật sư và một số đại diện bà con Văn Giang đã yêu cầu Bộ TN-MT cung cấp bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai tỉnh Hưng Yên (đi kèm phê duyệt quy hoạch này), nhưng đến nay Bộ TN-MT vẫn chưa cung cấp.

Các hộ nông dân Văn Giang khẳng định vào các năm 2002, 2003, tỉnh Hưng Yên đã chủ trương chuyển đổi tại Văn Giang từ đất trồng lúa sang đất trồng cây cảnh, quả có giá trị cao và họ đã tích cực chuyển đổi, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Văn Giang giai đoạn 2001-2010 và định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt tại Quyết định số 1613/QĐ-UB ngày 21/08/2003. Quy hoạch này không có nội dung hình thành một khu đô thị có quy mô tới 500 ha như Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang.

Nói cách khác, tại thời điểm ký 02 quyết định trên, không có quy hoạch sử dụng đất nào cho phép một khu đô thị 500ha được xây dựng tại Văn Giang.

Việc chưa điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt đã giao đất để thực hiện là trái Luật đất đai 1993 (đến 21/06/2007, Chính phủ mới có Nghị quyết số 31/2007/NQ-CP xét duyệt, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Hưng Yên từ năm 2001 đến 2010).

Có cần quyết định thu hồi đất cho từng hộ dân?

Để giải thích cho việc không ra Quyết định thu hồi đất riêng cho từng hộ dân, cũng như không giao Quyết định thu hồi đất cho họ, Giáo sư Võ cho rằng Luật đất đai 1993 không quy định, chỉ có Luật đất đai 2003 có quy định. Quan điểm này không phù hợp pháp luật tại mọi thời điểm (từ năm 2004 đến nay). Luật đất đai 1993 (sửa đổi, bổ sung 1998, 2001) và Luật khiếu nại, tố cáo 1998 (sửa đổi bổ sung 2004, 2005) đều đảm bảo cho các hộ dân quyền sử dụng đất và nếu bị thu hồi được quyền nhận Quyết định thu hồi đất đúng luật, ghi rõ tên họ và diện tích đất bị thu hồi của họ. Cụ thể như sau:

Khoản 2, Điều 3 Luật đất đai 1993 (sửa đổi bổ sung 1998, 2001) nêu rõ: "3- Nhà nước có chính sách bảo đảm cho người làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp có đất sản xuất."

Điều 21 Luật đất đai 1993 này cũng quy định: "Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó."

Điều 28 Luật đất đai 1993 quy định: "Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó.

Việc thu hồi đất để chuyển sang mục đích khác phải theo đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt."

Điều 31 Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi bổ sung 2004, 2005) quy định: "Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính".

Khoản 10, Điều 2 Luật khiếu nại, tố cáo 1998 định nghĩa về quyết định hành chính như sau: "Quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính"

Như vậy, việc thu hồi đất phải căn cứ bằng một quyết định hành chính, trong đó ghi tên (hoặc gắn liền một danh sách) một hoặc một số hộ dân cụ thể, cùng diện tích đất bị thu hồi của từng hộ dân. Người dân phải nhận được quyết định hành chính (có ghi rõ tên họ và diện tích bị thu hồi) để chấp hành hoặc thực hiện quyền khiếu nại. Nếu người dân chưa nhận được quyết định thu hồi đất (có ghi rõ tên họ và diện tích bị thu hồi), họ không có nghĩa vụ phải thi hành quyết định thu hồi đất. Do đó, quyết định 742/QĐ - TTg (không ghi tên người bị thu hồi, diện tích đất của người bị thu hồi) không thể coi là quyết định thu hồi đất của những hộ dân Văn Giang.

Mặt khác, nếu quyết định này là quyết định giao đất, để chủ đầu tư nhận 500ha đất đổi lấy hạ tầng cũng trái Điều 23 Nghị định 04/2000/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 66/2001/NĐ-CP. Theo đó, chỉ được trình Chính phủ giao đất để đổi lấy hạ tầng sau khi tổ chức nghiệm thu và xác định đầu tư xậy dưng công trình cơ sở hạ tầng , định giá khu đất sẽ trả cho chủ đầu tư đã bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nói cách khác, chỉ khi chủ đầu tư đã xây xong công trình hạ tầng theo cam kết, Chính phủ mới giao đất cho Chủ đầu tư. Như vậy, Bộ TN-MT (trách nhiệm chính thuộc Giáo sư Võ) đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao đất cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư chưa thực hiện xây dựng công trình hạ tầng, tạo điều kiện cho chủ đầu tư "lấy mỡ nó rán nó".

Với những điểm trên, LS Hải và người dân Văn Giang đề nghị GS Võ một cuộc đối thoại tiếp tục mà LS Trần Vũ Hải gọi là "đối thoại phúc thẩm" với tư cách cựu quan chức và là nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực đất đai.

Cùng với lá thư này, nhóm người dân Văn Giang, đại diện là ông Phạm Hoành Sơn cũng gửi thư tới Giáo sư Võ 'chất vấn' thêm một số vấn đề. Ông Sơn đề nghị Giáo sư Võ cung cấp văn bản chỉ đạo của Chính phủ, tạo mọi điều kiện cho tỉnh Hưng Yên phê duyệt kịp dự án trước ngày Luật đất đai 2003 có hiệu lực; bản đồ quy hoạch kèm theo hồ sơ xin phê duyệt, quy hoạch sử dụng đất tỉnh Hưng Yên, các căn cứ pháp lý để kí 2 tờ trình liên quan đến dự án Văn Giang mà GS Võ cho rằng trình đúng địa chỉ và đúng luật. Ông Sơn cũng yêu cầu giải thích việc viện dẫn sai liên quan đến quy chế làm việc của Chính phủ; cũng như tính hợp pháp của quyết định hành chính không ghi tên đối tượng phải thi hành và cũng không giao cho đối tượng đó.

GS Võ hồi đáp ông Phạm Hoành Sơn:

GS Võ đã có thư hồi đáp cho người dân Văn Giang. Trong thư, ông viết, "tôi thực sự cảm thấy mệt mỏi về việc cứ mãi tiếp tục tranh luận đúng sai theo cách thức gặp gỡ thế này. Cả tôi và các bác đều phải tiết kiện tiền bạc, thời gian, sức khỏe để làm những việc thực sự hiệu quả cho mình và mang lại lợi ích cho đất nước."

"Qua lần gặp gỡ thứ nhất, tôi thấy rằng gặp gỡ như vậy không mang lại hiệu quả mà đã làm cho việc khiếu nại của các bác phức tạp hơn, cả tôi và các bác đều không muốn mình bị lợi dụng vào việc gây tác động xấu tới an ninh xã hội".

Về chuyện đúng hay sai pháp luật của các văn bản liên quan tới dự án Văn Giang đã có các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật quyết định theo thẩm quyền. Mọi ý kiến của chúng ta chỉ là để thảo luận, tham khảo và phải được các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Ý kiến chắc chắn của tôi đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo nhiều người và đã đưa ra trên 2 bài báo nói trên, làm các bác không hài lòng. Ý kiến của các bác và những luật sư trợ giúp pháp lý chắc cũng không thay đổi. Về trình độ pháp luật đất đai của tôi, luật sư của các bác cũng đã khẳng định không cao, báo nước ngoài cũng đã đăng tải ý kiến nói rằng tôi nắm pháp luật đất đai không vững bằng các bác. Thiết nghĩ, chúng ta gặp nhau thêm cũng không giải quyết được việc gì cơ bản.

Lí giải cho sự thay đổi quan điểm, ông cũng nêu một số điểm: Về cuộc đối thoại trước, "thực sự, tôi mong muốn được chia sẻ các bức xúc của các bác tại cuộc gặp gỡ này như một thể hiện của sự thiện tâm, không chạy trốn trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trước đây. Với những thông tin còn lại trong đầu tôi về dự án Văn Giang, tôi đã chủ quan và cho rằng luận cứ mà các luật sư đại diện cho các bác đưa ra là có lý. Tôi là người không cố chấp, cũng dễ chấp nhận cái sai về mình khi muốn làm dịu không khí căng thẳng. Vì vậy, tôi cũng đã dễ dàng chấp nhận sự sai sót thuộc về bản thân mình.

Mặt khác, ông cho biết trước khi diễn ra buổi đối thoại ngày 08/11/2012, ông bị sốt cao do virut, con gái nhỏ của ông bị ốm nặng phải nằm bệnh viện. Nhưng vì tôn trọng bà con, ông vẫn đến buổi đối thoại theo lời hứa, song trạng thái tinh thần ông bất ổn định, không còn đủ sự bình tĩnh, tỉnh táo.

...Việc tôi nhận mình sai một cách dễ dàng như thế, nhưng lúc đó chưa ý thức được rằng từ cái sai của mình có thể dẫn đến cái sai của việc Thủ tướng Chính phủ thực hiện thẩm quyền của Chính phủ trong suốt 10 năm từ 15/10/1993 tới 30/06/2004 lại là vấn đề rất lớn, nếu không làm rõ có thể phát sinh những hậu quả khôn lường về mất ổn định xã hội. Đây chính là điều tôi suy nghĩ nhiều nhất và tôi đã quyết tâm gác lại mọi việc đang làm để tìm ra lẽ thật của sự việc này.

Khi tất cả các cơ quan nhà nước các cấp nói rằng đúng pháp luật, mà một mình tôi - một chi tiết cực kỳ bé nhỏ trong bộ máy nhà nước đã về hưu lại nói ngược lại nhưng thiếu căn cứ thì tôi mang trọng tội với đất nước và nhân dân."

Liên quan đến việc viện dẫn tới Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành năm 1998, ông khẳng định "không hề xuyên tạc viện dẫn của những luật sư trợ giúp pháp lý cho bà con Văn Giang. Ông làm rõ "tôi muốn nói tới quy định cho nhiều năm trước thuộc giai đoạn 10 năm từ 15/10/1993 tới 30/06/2004. Về thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành năm 1998 và năm 2003 là hoàn toàn giống nhau. Viện dẫn của những luật sư trợ giúp pháp lý về thẩm quyền của Chính phủ được tôi trích dẫn là Điểm 1.10 Khoản 1 Điều 1 của Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 11/1998/NĐ-CP ngày 24/01/1998 về quy định "Chính phủ quyết định tập thể những công việc", trong đó có "Những vấn đề khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ"; đây cũng chính là nội dung của Điểm l Khoản 1 Điều 2 của Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ngày 12/03/2003 về quy định "Chính phủ quyết định tập thể những công việc", trong đó có "Những vấn đề khác mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ". Hai nội dung này không sai nhau một chữ (mãi tới năm 2007, Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành năm 2007 và 2012 mới có quy định về tách riêng hoàn toàn thẩm quyền của Chính phủ và thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ).

"Cuộc đời tôi chưa bao giờ xuyên tạc bất cứ việc gì, tôi luôn mong muốn mọi việc phải khách quan và công bằng. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần hướng tới mục tiêu chính là bảo vệ quyền lợi cho các bác hơn là đưa ra những việc vặt không ảnh hưởng tới bản chất."

Liên quan đến yêu cầu cung cấp văn bản chỉ đạo của Chính phủ về tạo mọi điều kiện cho tỉnh Hưng Yên chuẩn bị kịp dự án "đổi đất lấy hạ tầng" đường liên tỉnh đoạn từ huyện Văn Giang đến huyện Khoái Châu trước ngày Luật đất đai 2003 có hiệu lực thi hành, GS V õ "thưa rằng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng không phải lúc nào cũng bằng văn bản. Trong nội bộ hệ thống hành chính, chỉ đạo chủ yếu bằng kết luận của thủ trưởng tại các cuộc họp giữa các cơ quan hữu quan. Chỉ đạo bằng văn bản chỉ được áp dụng khi việc làm đó do người ngoài hệ thống hành chính phải thực hiện.

Ông cũng nói thêm, sau khi gặp gỡ các bác vào chiều ngày 08/11/2012 "tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản ứng gay gắt từ công luận cũng như từ nhiều cán bộ quản lý thuộc các cơ quan quản lý có liên quan. Trước hết, một số biểu hiện tại Văn Giang sau buổi gặp gỡ đã vượt quá giới hạn của khiếu nại hành chính của dân, điều này đã được mô tả chi tiết ở một hai báo mạng của nước ngoài và trên nhiều blog cá nhân. Sau đó, việc tôi nhận mình sai là không có căn cứ pháp lý, trái với các kết luận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây chính là điều làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng mọi khía cạnh, tôi cũng tự thấy mình đã làm những việc sai, đang gây mất ổn định xã hội, có thể ảnh hưởng đến lộ trình giải quyết khiếu nại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang tiến hành. Việc cần làm là các bác hãy thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo cũng như các quyền khác của công dân theo đúng quy định của pháp luật. Đó là cách duy nhất để bảo vệ lợi ích chính đáng của các bác trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước."

Về đề nghị cung cấp văn bản, GS Võ cho hay, "sau khi tôi về hưu thì tôi cũng chỉ được xem các tư liệu liên quan tới Dự án Văn Giang thôi, xem để khẳng định luận cứ thực ở đâu. Tôi cũng không hề giữ bất cứ một tư liệu nào trong tay để có thể cung cấp hay trao đổi với các bác. Việc cung cấp thông tin về quản lý nhà nước đã có các cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật."

Với những trình bầy của tôi ở trên, tôi xin phép các bác thứ lỗi cho là tôi không thể tham gia cuộc gặp gỡ tiếp theo với các bác. Tôi cũng xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, dư luận về những ý kiến đã đăng tải trên bài viết cuối cùng của tôi về việc này.

Tôi thực sự cảm thấy mệt mỏi về việc cứ mãi tiếp tục tranh luận đúng sai theo cách thức gặp gỡ thế này. Cả tôi và các bác đều phải tiết kiện tiền bạc, thời gian, sức khỏe để làm những việc thực sự hiệu quả cho mình và mang lại lợi ích cho đất nước. Qua lần gặp gỡ thứ nhất, tôi thấy rằng gặp gỡ như vậy không mang lại hiệu quả mà đã làm cho việc khiếu nại của các bác phức tạp hơn, cả tôi và các bác đều không muốn mình bị lợi dụng vào việc gây tác động xấu tới an ninh xã hội.

Ông Sơn cho biết, rất muốn tranh luận về những nội dung ông Võ trình bày nêu trên, nhưng thông cảm với việc con gái ông Võ ốm, ông cần dành thời gian chăm sóc, nên bà con Văn Giang tạm dừng tranh luận.

Theo PV (Tuần Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.