17/07/2015 10:51 AM
Theo người dân, ban quản trị mới được thành lập trái luật. Cư dân không nắm rõ hiện nay quỹ phí bảo trì của chung cư còn bao nhiêu mà chỉ biết loáng thoáng khoảng 40 tỉ đồng.

“Ban quản trị (BQT) mới của chung cư thành lập và hoạt động không đúng quy định pháp luật. Mấy chục tỉ đồng phí bảo trì nhà chung cư có nguy cơ thất thoát do không thể kiểm soát” - ông LT Lợi, cư dân Khu căn hộ Hoàng Anh Goldhouse (187A Lê Văn Lương, Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM), vừa có đơn phản ánh với các cơ quan chức năng.

“Bầu BQT mới không đúng luật”

Theo ông Lợi, tháng 1-2014, BQT Khu căn hộ Hoàng Anh Goldhouse được thành lập gồm chín thành viên, do ông Trần Anh Tuấn làm trưởng ban. Một thời gian ngắn sau, các thành viên trong BQT tự bầu lại chức danh trưởng BQT và ông Nguyễn Phạm Duy được chọn. Vai trò mới của các thành viên trong BQT được UBND huyện Nhà Bè công nhận.

Đến tháng 7-2014, BQT mới được thành lập nhưng chỉ còn lại sáu thành viên và ông Duy tiếp tục giữ vị trí trưởng BQT. Việc thành lập BQT mới được thông báo là trên cơ sở bỏ phiếu tín nhiệm tại hội nghị nhà chung cư. BQT mới cũng được UBND huyện Nhà Bè có quyết định công nhận.

Tuy nhiên, ông Lợi cho hay hội nghị nhà chung cư bầu BQT mới đã được tổ chức không đúng luật nên BQT này không đủ cơ sở hoạt động. Theo ông Lợi, khoản 1 Điều 11 Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng quy định: Khi tổ chức hội nghị nhà chung cư cho một cụm nhà chung cư (như Khu căn hộ Hoàng Anh Goldhouse), mỗi nhà chung cư phải có số đại biểu tham dự trên 10% số chủ sở hữu và người sử dụng.

“Tại thời điểm tổ chức bầu BQT mới có 940 hộ đã nhận nhà, nếu tính mỗi hộ chỉ có một chủ sở hữu và một người sử dụng thì 10% của chủ sở hữu và 10% của người sử dụng cộng lại là phải trên 188 người tham dự. Thế nhưng hội nghị này chỉ có 110 người tham gia, đến lúc bỏ phiếu thì chỉ còn 31 phiếu. Do đó việc bầu chọn BQT mới và bãi miễn ba thành viên BQT cũ là không có giá trị” - ông Lợi nói.



Khu chung cư Hoàng Anh Goldhouse, huyện Nhà Bè (TP.HCM). Ảnh: C.TÚ

Chi dưới 1 tỉ đồng không phải hỏi cư dân

Ngày 5-10-2014, BQT mới sửa đổi quy chế quản lý và sử dụng quỹ phí bảo trì nhà chung cư. Theo đó, “BQT được quyền quyết định thanh toán các giao dịch không lớn hơn 1 tỉ đồng cho mỗi hoạt động bảo trì có ký hợp đồng dịch vụ bảo trì căn cứ trên các điều khoản đã ký”.

Theo ông Lợi, với quy định trên, chỉ cần BQT mới chia nhỏ các khoản chi thành dưới 1 tỉ đồng thì sẽ toàn quyền sử dụng quỹ phí bảo trì mà không cần hỏi ý kiến cư dân. “BQT hoạt động theo nhiệm kỳ tối đa ba năm. Việc họ được quyết định thanh toán giao dịch dưới 1 tỉ đồng là con số quá lớn và quá rủi ro cho cư dân. Khi phát hiện quỹ bảo trì hết sạch thì ai sẽ chịu trách nhiệm?” - ông Lợi đặt vấn đề. Theo ông Lợi, thậm chí hiện nay quỹ phí bảo trì của chung cư còn bao nhiêu thì các cư dân cũng không nắm rõ mà chỉ biết loáng thoáng khoảng 40 tỉ đồng.

Từ những lý do trên, ông Lợi đề nghị UBND huyện Nhà Bè hủy quyết định công nhận BQT mới để tổ chức bầu lại BQT theo đúng quy định. Nếu huyện không giải quyết, ông sẽ khiếu nại lên các cơ quan cấp trên.

“Có BQT vẫn tốt hơn”

Sau khi tiếp nhận phản ánh của ông Lợi, PV xin gặp ông Nguyễn Phạm Duy, trưởng BQT, nhưng ông không trả lời mà đề nghị PV liên hệ với ông Nguyễn Xuân Trường, phó BQT. Ông Trường khẳng định BQT mới thành lập đúng quy định, có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ chứng minh. Việc bãi miễn ba thành viên cũ là theo yêu cầu của cư dân do những người này không đảm bảo uy tín chứ không phải do BQT đẩy họ ra.

Vậy hiện quỹ phí bảo trì còn bao nhiêu, sử dụng thế nào? “Nhà báo phải hỏi ông Duy vì tuy là thành viên BQT nhưng do mới tham gia nên tôi cũng không nắm rõ (!?)” - ông Trường trả lời.

Làm việc với PV, ông Nguyễn Hữu Anh, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè, cho hay chưa nắm được sự việc nên ủy quyền cho một nhân viên tên Hà trả lời thay (ông Anh vẫn có mặt tại buổi làm việc - PV). Theo ông Hà, hội nghị nhà chung cư tổ chức tháng 7-2014 với sự tham gia của 110 người/940 căn hộ đã nhận là đủ số lượng theo quy định. “Quy chế của Bộ Xây dựng yêu cầu trên 10% số người sở hữu và người sử dụng, tức là tính trên tổng cộng chứ không phải chia ra hai trường hợp như ông Lợi nghĩ” - ông Hà lập luận. Về việc chỉ có 31 phiếu bầu chọn BQT, ông Hà cho rằng những người bỏ về không bầu chọn là xem như tự tước quyền bầu cử của mình.

Phản bác lại, ông Bùi Tuấn Minh, thành viên BQT bị bãi miễn, cho hay ngay tại hội nghị nhà chung cư, chính ông Hà từng khẳng định cuộc họp không đạt yêu cầu nhưng không hiểu sao sau đó UBND huyện vẫn công nhận BQT mới. Trước nhắc nhở trên, ông Hà giải thích: “Tuy số phiếu bầu chọn ít so với số người tham dự lẫn số lượng cư dân nhưng xét thấy những thành viên BQT mới được tín nhiệm cao (trong 31 phiếu), đồng thời khu căn hộ có BQT vẫn tốt hơn không có BQT nên huyện đã công nhận BQT mới!”.

Trước phản ánh của ông Lợi, ông Hà cho hay hướng xử lý là vẫn đề nghị UBND huyện giữ BQT mới để ổn định hoạt động của chung cư (ngoài ra, còn một lý do nữa là việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu lại BQT rất khó khăn). Còn về phí bảo trì, ông Hà cho biết địa phương không can thiệp vì đây là vấn đề nội bộ của chung cư. “Nhưng trước phản ánh của ông Lợi, tôi sẽ đề xuất huyện kiểm tra việc sử dụng phí bảo trì của BQT trong thời gian qua có dấu hiệu vi phạm hay không” - ông Hà nói.

Cẩm Tú (Pháp luật Tp.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.