Nhơn Trạch có 3 quán nhậu nổi tiếng: quán Đ.T (xã Phú Đông), quán V.D (xã Long Thọ) và quán L.P (xã Phước An). Dân môi giới đất thường đưa khách vào đây nhậu mỗi khi thấy “kèo” đi vào thời điểm chốt xuống tiền. Vào buổi trưa và chiều tối hàng ngày, hình ảnh dãy xe hơi và xe máy xếp hàng ken dày trước quán dễ khiến người ta liên tưởng tới sự phồn thịnh, phát đạt của nơi giá đất đang bay cao.
Nhiều dự án được quảng cáo rầm rộ bao năm nay, và được môi giới khẳng định đã bán sạch đất nền, nhưng toàn là đất trống, chỉ có duy nhất một căn nhà được cho là của chủ đầu tư.
“Không khí ăn nhậu rôm rả, không rõ ai với ai, khách rất dễ liên tưởng tới đây. đều là người đổ xuống xem đất, mua đất. Tôi không cần giục, khách cũng rất dễ bị tác động để đi đến quyết định cuối cùng”, cò T. hào hứng kể.
Xem thêm: Nhà đất nhơn trạch
Nhưng nếu bỏ qua lời giới thiệu hào hứng của môi giới, chịu lắng tai nghe câu chuyện từ bàn khác, khách hàng tinh ý sẽ nhận thấy đa phần thực khách là chuyên gia và các ông chủ doanh nghiệp đang làm việc trong các nhà máy tại 6 khu công nghiệp tại Nhơn Trạch.
Nghe đến câu chuyện các dự án mới, ông Dương, một nhà đầu tư ôm đất nằm chờ thời ở Long Tân đã 10 năm nay chỉ muốn nhảy dựng lên. “Nghe đến từ Khu đô thị mới là tui muốn oải, nào là Khu đô thị mới Đ.S.G., Khu đô thị mới P.A. rộng tới hàng trăm hàng ngàn héc-ta… Nhóm bạn tui ôm đất quanh đó đúng thời điểm 4,5 triệu/m2, cuối cùng phải tháo chạy với giá 1,6 triệu”, ông Dương kể.
Cho đến nay, thông tin chính thức về dự án Cầu Cát Lái trị giá 5.700 tỷ mới dừng ở mức "tương đối khả thi", theo lời của Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường.
“Người ta là tập đoàn lớn, sở hữu tận mấy khu công nghiệp, bỏ ra hơn ngàn tỷ đồng đầu tư ban đầu…mà còn mắc kẹt ở Nhơn Trạch không cựa quậy được, thì đám cò con như tụi tui không cẩn thận là banh xác luôn”, ông khẳng định.
Vậy nên, ngay cả khi dự án nối cầu Quận 9 với Nhơn Trạch, chạy qua đúng vị trí xã Long Tân nơi ông mua đất, ông Dương cũng không quá mức lạc quan. Ông Dương cho rằng, dù được khẳng định dự án này có khả năng đạt đến 99% vì được Chính phủ Hàn Quốc cho vay vốn ODA và nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia vào dự án, nhưng thông tin ông có được không hoàn toàn lạc quan như các tuyên bố.
“Đoạn 1A nối từ đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây vào Tôn Đức Thắng theo hình thức ODA thì có thể yên tâm. Nhưng còn đoạn 1B từ Long Thành-Dầu Giây ra nút giao ngã tư Thủ Đức theo hình thức BOT thì còn nhiều bàn cãi.
Tui nghe nói còn chưa thống nhất được, nên cứ xác định là chờ thêm vài năm nữa, cho tới lúc người ta đóng cọc trụ cầu thì mới biết được. Tuyên bố xây cầu từ năm 2002 đến giờ, thi thoảng lại hâm nóng ầm ĩ lên, tụi tui mừng hoài, oải rồi”, ông Dương chia sẻ.
Số lượng những nhà đầu tư khá tỉnh táo và thường xuyên cập nhật thông tin như ông Dương hiện giờ ngày càng nhiều. Chính cò T. làm nghề môi giới, sau khi gặp ông Dương cũng phải “chịu thuốc”, xin làm quen giao lưu, chơi thân đến tận giờ để được cập nhật thêm thông tin.
Dự án hoành tráng của một Tổng công ty xây dựng làm nhiều nhà đầu tư "chết chìm" bao năm nay...khiến nhiều người thận trọng hơn với những thông tin tốt đẹp về hạ tầng tại Nhơn Trạch.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ đã thận trọng, những nhà đầu tư tầm trung như K. càng thận trọng hơn. Ngay khi thông tin về đề án xây cầu Cát Lái được tung ra, thậm chí ngay cả khi có thông tin Thủ tướng Chính phủ đồng ý chấp thuận bổ sung quy hoạch. K. cũng không mặn mà "xuống tiền".
“Việc phân định rõ nhà thầu thi công, việc thống nhất phương án đền bù giải phóng mặt bằng, việc xác định hình thức BOT hay BOT kèm BT…vẫn chưa rõ ràng, thì việc xuống tiền ôm đất cũng có nhiều rủi ro.
Tôi biết nhiều người ôm đất ở khu vực này nhiều năm nay đã bắt đầu xả hàng. Nhiều người mua nhỏ lẻ cũng đã xuống tiền khi mạnh tay ôm đất ruộng. Đợt "sóng" này có thể là cơ hội cho người mới, nhưng cũng có thể tạo cơ hội cho người cũ rút lui an toàn”, K. khẳng định.