Dự án mở rộng tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức BOT (giai đoạn 2) đã ấn định thời điểm triển khai vào năm 2017, nhưng đến nay diện tích đất mà Hà Nội bàn giao để triển khai dự án này mới chỉ đạt hơn 40%, chiều dài cả 2 tuyến mới đạt khoảng 31/58km.
Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 6/2015
Đây là dự án trọng điểm quốc gia do Liên danh đầu tư Cienco1 - Công ty CP Đầu tư Phát triển xây dựng Minh Phát - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành triển khai, thi công và đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng giai đoạn 1 vào cuối tháng 6/2015.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư và các đơn vị có liên quan tích cực triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án (mở rộng tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe, có bề rộng mặt đường 33,5m.).
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ ngày mới đây, với sự tham gia của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, Bộ GTVT, Hội đồng Giair phóng mặt bằng địa phương và các đơn vị có liên quan, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Hội đồng Giải phóng mặt bằng các quận, huyện Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên chậm nhất đến 30/8/2016 phải bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp (chiếm khoảng 70% diện tích giải phóng mặt bằng của dự án) và đến 30/10/2016 phải bàn giao toàn bộ đất thổ cư.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện những công việc nói trên đến nay vẫn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Mặt khác, mặt bằng được bàn giao còn vướng khá nhiều hạ tầng kỹ thuật, một số đoạn bàn giao chưa liên tục.
Cụ thể, diện tích đất đã bàn giao 331.072/762.061,8m2 đạt 43,44%. Theo chiều dài đạt 31,53/58Km (tính cả hai bên tuyến); trong đó chiều dài thi công được là 21,3Km, còn lại 10,5Km vướng các công trình ngầm, các hộ dân xen kẹt chưa đền bù...).
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công hoàn thành giai đoạn 2 của dự án trong năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị UBND TP.Hà Nội quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Hà Nội, UBND các quận, huyện Hoàng Mai, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín và Hội đồng Giair phóng mặt bằng các địa phương đẩy nhanh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp trong tháng 9/2016; đất thổ cư trong tháng 10/2016 cho nhà đầu tư và các nhà thầu triển khai thi công.
Trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long, nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của TP.Hà Nội, đơn vị có liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bố trí đầy đủ kinh phí giải phóng mặt bằng để triển khai các bước tiếp theo, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Trao đổi với PLVN, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - ông Phạm văn Khôi cho rằng, đối với các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức BOT cần phải có chính sách đột phá trong khâu giải phóng mặt bằng. “Khi dự án đã được phê duyệt thiết kế tổng thể, cắm mốc chỉ giới... và sau khi nhà đầu tư đã nộp đầy đủ tiền đền bù thì nên giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư theo các mốc đã cắm. Trong trường hợp này, kinh phí - chúng tôi đã chuẩn bị đầu đủ, không thiếu.”, ông Khôi nói.
Được biết, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án mà liên danh nói trên đã thực hiện là gần 7.000 tỷ đồng,với tổng chiều dài nâng cấp khoảng 29 km từ Km 182+300 đến Km 211 + 256 QL 1, đường đã đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn 2, lúc đầu dự kiến hoàn thành trong cuối năm 2017, nhưng với những khó khăn về mặt bằng như đã nêu, dự án này chưa chắc “cán đích” đúng tiến độ.
Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Nam kết nối TP.Hà Nội với các tỉnh phía Nam và khu vực lân cận; là một phần của đường Quốc lộ 1 trùng với đường cao tốc Bắc - Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định 140/QĐ-TTg ngày 21/01/2010 và Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013), sẽ được hoàn thành đầu tư xây dựng vào năm 2018.
Tuyến đường được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2002 với quy mô đường cấp I đồng bằng, nhưng sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác cũng như có nguy cơ mất an toàn giao thông. Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Chính phủ cho phép đầu tư nâng cấp thành đường cao tốc theo hình thức BOT.
Võ Tuấn (Pháp luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.