Đầu tháng 11, nhiều quan điểm đánh giá xen lẫn dự báo mang tính dè chừng về thị trường BĐS đã được đưa ra tại hội thảo “Bất động sản trước những cơ hội mới”. Trong đó, nổi lên ý kiến tích cực về tiến triển khả quan của thanh khoản thị trường từ cuối năm nay lan tới sang 2015 nhờ nhu cầu tăng dần lẫn yếu tố đầu cơ rục rịch trở lại.

Chưa kết thúc nhưng có thể đoán định trước biểu đồ với chiều đi lên của thị trường BĐS Hà Nội trong năm 2014 với thanh khoản sản phẩm bắt đầu phá thế “đi ngang” từ khoảng cuối quý I.

Ngược gió, cánh diều lên

Người lạc quan hay kẻ định kiến với thị trường nhà đất đều thừa nhận đó là nhờ hiệu quả lan tỏa của chính sách điều hành lẫn các công cụ tài chính hỗ trợ đi kèm. Sau đó, phải kể tới quyết tâm trụ lại với địa ốc bằng nhiều cách của giới tạo lập BĐS đã được nhà quản lý “vạch đường chỉ lối” một cách cụ thể.

Hàng loạt dự án tưởng chừng “đắp chiếu dài dài” đã lại náo nhiệt công trường thời gian vừa qua. Nào là Mỹ Sơn Tower (62 Nguyễn Huy Tưởng) với đủ loằng ngoằng về pháp nhân (như TBKD đã phản ánh cuối tháng 5/2014) đã được Liên minh sàn G5 bán “hết veo” những căn dưới 100m2 (thời điểm tháng 6 khi dự án mới chỉ xong móng).

Rồi tới CT3 thuộc tổ hợp The Pride được đổi tên thành HP Landmark Tower cũng rộn ràng mở bán với giá trên 1 tỷ đồng/căn sau hàng năm trời thử thách sự kiên nhẫn của khách hàng tham gia góp vốn.

Hay mới đây là Sapphire Palace (Quận Thanh Xuân) “bỗng” trở lại khuấy đảo thị trường nhờ cái bắt tay giữa Sông Hồng Land và Công ty CP Tân Hồng Hà…

Sự trở lại đầy hưng phấn của các dự án vốn đì đẹt 2-3 năm qua được ghi nhận rõ ràng ở trục Lê Văn Lương kéo dài. Xưa cũ nhất, phải kể tới những tổ hợp dự án của Nam Cường, Nam An Khánh, Bắc An Khánh lũ lượt “vời” khách mua với các dòng sản phẩm “ngon – rẻ” nhưng chỉ “bổ” các Thượng đế chẳng còn lựa chọn nào khác khi tài chính quá eo hẹp.

Nhưng may mắn, đây lại là tỷ lệ quá bán trong dòng người tìm mua nhà đất Thủ đô. Cùng lúc đó, gói 30.000 tỷ đồng, chính sách hỗ trợ DN và khả năng thanh toán của khách hàng mua nhà đã kịp thời có mặt đúng lúc, đúng chỗ.

Chẳng thế, một đại dự án của ông chủ Vũ Văn Tiền như Geleximco Lê Trọng Tấn đang phủ kín những diện tích còn bỏ không: Tháng 10, Gemex Tower được chào bán rộng khắp với mức giá rất “hời”. Trước đó, một dự án cao cấp là GreenStar trở nên đắt giá trong mắt người mua (3 năm trước đã mở cửa nhà mẫu đón khách!)…

Thêm minh họa khác cho cú “lội ngược dòng” dự án là Hồ Gươm Plaza (Trần Phú, Hà Đông) của DN ngành may mặc. Tháng 8/2012, khi dự án mới thi công tới tầng 8, nhiều khách hàng đã nghi ngờ về cái hẹn bàn giao vào quý II/2013.

CBRE: Tồn đọng căn hộ cao cấp ở Thủ đô đang vào khoảng 4.000 căn

Mối lo đó đã thành hiện thực, khi thời gian này, chủ đầu tư vẫn vừa mở bán vừa hoàn thiện nốt các tiểu hạ phần còn lại. Chỉ khác, khi trước là Savills phân phối, nay thì tới phiên Đất Xanh Miền Bắc giữ vai trò “bà mối”…

Sau tất cả, năm 2014, May Hồ Gươm vẫn đang “thắng” ở dự án này, sau rất nhiều bức xúc của người mua lẫn cái nhìn trực diện của báo chí. Người dọn về ở còn đủ than vãn, kẻ bên ngoài thì náo nức tìm nhau giao dịch, thậm chí kiêm cả suất chênh – giới tạo lập BĐS chỉ cần điều này.

Chưa “hồi” đã “chênh”

Mua chênh, bán cắt lỗ là hai hoạt động tiêu biểu nhất của thị trường thứ cấp suốt nhiều tháng qua. Hai “động tác” quen thuộc trong giới đầu tư nhỏ lẻ lẫn những “trùm” đầu cơ với tầm nhìn dài hạn ban đầu xuất hiện ở các dự án “tưởng rẻ mà chẳng rẻ” của Xí nghiệp Nhà Lai Châu (Đại Thanh, Kim Văn – Kim Lũ, VP5, VP6 Linh Đàm…).

Sau dần, những dự án tầm trung-cao cấp cũng lọt vào “tầm ngắm” của đội lái này. Có thể kể: HH2 Bắc Hà, C14 Bộ Công an, Tây Hà Tower, CT1-CT2 Trung Văn, HuyndaiHillslate, Diamond Flower Tower.

Hoàn toàn là những cái tên “mới toanh” dù đã “cũ rích” trên hồ sơ nhà quản lý. Tâm lý người mua nhà cũng trở nên bình thản hơn với tình trạng giá chênh vài trăm triệu cho sản phẩm chỉ chưa đầy 1,5 tỷ đồng ngay tại phiên mở bán.

Diễn biến chung, các dự án kể trêna đều ghi nhận bán chênh rất nhanh và ngay sau đó chừng 1-2 tháng, những lời chào mời bán cắt lỗ lần lượt phủ kín các thuê bao di động lẫn email của bất cứ ai.

Tuy vậy, lại có không ít dự án liên tục “duy trì” mức tiền chênh lẫn giá chào bán ở mức ngoài tưởng tượng. Rõ nhất, là N04 Hoàng Đạo Thúy tăng giá chênh theo ngày (đầu tháng 9 ghi nhận trong giới đầu tư là 620-650 triệu đồng/suất, tới cuối tháng 10, lên tới ngót 1 tỷ đồng/suất).

Tiếp sau, Mandarin Garden giao hoàn thiện có đơn giá 53 triệu đồng/m2, D2 Giảng Võ không…còn hàng bán dù người mua sẵn sàng trả 43-44 triệu đồng/m2. Platinum Nguyễn Công Hoan đòi hỏi mức tiền 38-40 triệu đồng/m2 cộng chênh thì… may ra có hàng cho thượng đế.

Nhìn sơ danh sách các dự án có đơn giá cao, tiền chênh vài trăm triệu tới cả tỷ đồng lẫn mức độ “khan hàng”, phần đông vẫn là các dự án cao cấp (chí ít là theo tên gọi dự án).

Trong khi đó, thông tin hồi tháng 9 của CBRE đã khiến rất nhiều người giật mình: Tồn đọng căn hộ cao cấp ở Thủ đô đang vào khoảng 4.000 căn. Tổng nguồn cung lên tới 22.000 căn của 30 dự án, chỉ khoảng một nửa số này đã hoàn thiện và đi vào sử dụng…

Chỉ khó hiểu một điều, khối tài sản nghìn tỷ đồng nằm trong các dự án cao cấp tồn đọng sẽ được xử lý ra sao? Giả thiết nguồn cung dự kiến 22.000 căn như CBRE dự báo là chuẩn xác, thì đó mới chỉ ở thời tương lai. Thống kê nguồn cung là các dự án được phê duyệt, mới triển khai. Còn về đích với tỷ lệ lấp đầy lại là chuyện khác hoàn toàn so với kỳ vọng của DN, nhà băng lẫn ý chí của nhà quản lý.

Phải chăng BĐS đang đứng trước những mối nguy mới, thay vì…cơ hội mới?

Đông Hưng (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.