NHNN yêu cầu đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.
Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42; tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã được phân công tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 và các văn bản chỉ đạo của NHNN có liên quan đến việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.
Đồng thời, tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Chính quyền địa phương, cơ quan công an, thi hành án dân sự, cơ quan thuế, tòa án các cấp và các cơ quan liên quan để thực thi có hiệu quả các chính sách tại Nghị quyết số 42, đặc biệt là các chính sách về thu giữ tài sản đảm bảo (Điều 7), áp dụng thủ tục rút gọn trong tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án (Điều 8), thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12, Điều 15), các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (Điều 9, Điều 15).
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về xử lý nợ theo Nghị quyết số 42 trong nội bộ và đến khách hàng hiện đang có nợ xấu tại TCTD để khách hàng hiểu rõ quyền của TCTD trong việc xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm và trách nhiệm trả nợ của khách hàng.
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và VAMC tăng cường phối hợp trong việc triển khai các hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt và mua theo giá thị trường nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42.
Mặt khác, tiếp tục nghiên túc thực hiện chế độ báo cáo về nợ xấu theo Nghị quyết số 42, kết quả xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42… Kịp thời báo cáo NHNN và các đơn vị có liên quan các khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý liên quan đến triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.
Theo thống kê của NHNN, trải qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết tại thời điểm ngày 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.
Trong đó, có 148 nghìn tỷ đồng là do khách hàng tự trả nợ, chiếm 38,93%, cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm từ 2012-2017. Đồng thời, kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của TCTD và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đạt 77,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,3%.
Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012-2017).
Tuy vậy, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, không trả được nợ ngân hàng, dẫn đến nguy cơ nợ xấu có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.
Đến ngày 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao là 6,31%. Nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết 42 đến ngày 31/12/2021 vẫn ở mức cao là 412,7 nghìn tỷ đồng. Xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng tự trả nợ giảm do dịch Covid-19 tác động đến tình hình tài chính của khách hàng.
-
Ngân hàng rao bán cả nhà máy vật liệu xây dựng để thu hồi nợ xấu
Ngân hàng BIDV rao bán nhiều dự án lớn như nhà máy vật liệu xây dựng, nhà máy thủy điện với giá khởi điểm hàng trăm tỷ đồng để xử lý nợ xấu.
-
Talkshow: Nợ xấu Việt Nam tăng mạnh, có phải rủi ro lớn nhất của nền kinh tế?
Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin một số kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024.
-
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc xử lý sở hữu chéo ngân hàng
Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ....
-
Agribank rao bán hàng trăm tỷ nợ xấu của loạt công ty thép, thế chấp bằng đất đai, nhà xưởng
Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) - Chi nhánh An Phú vừa thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ trị giá hơn 360 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và CTCP Đầu tư Khang Duy....