Nguốn gốc đất đình Phú Lợi
Đình Phú Lợi (thuộc phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) là di tích văn hóa đã hơn 300 năm, có giá trị lịch sử.
Trước giải phóng, khuôn viên đất đình khá rộng, về sau chính quyền
lấy đi một phần sau đình làm kho lương thực. Khi kho lương thực không
còn sử dụng, đất được trả lại cho Ban quý tế đình Phú Lợi quản lí sử
dụng. Diện tích khu đất này là 4.932 m2. Sau đó, chính quyền xã Phú Hòa
(nay là phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một) mượn một phần đất gần đường
để cất chợ lồng thu gom hàng. Dần dần, một số người dân đã đến trước sân
đình để buôn bán. Trong đó, có một số người dân đã tới cất nhà ở trên
phần đất này, như: Vợ chồng ông Minh, vợ chồng ông Trần Văn Chất - Lê
Thị Huệ, và ông Dương Quang Thuận (sau này ông Thuận đã bán lại phần đất
của mình cho ông Đổng Thành Long vào năm 1983, với giá 25.000 đồng).
Biên bản cuộc họp giữa Ban quý tế đình Phú Lợi cùng chính quyền xã Phú
Hòa và vợ chồng ông Minh lập ngày 11-10-1989, ghi: "Ban quý tế đình chấp
nhận cho vợ chồng Minh cất một cái chòi tranh chiều sâu 5 m kế bên nhà
ông Đổng Thành Long, sau khi không ở nữa thì trả lại đất cho đình, không
được sang bán"; biên bản được ông Phan Văn Kép, Phó Chủ tịch UBND xã
Phú Hòa xác nhận: "Ủy ban xã đồng ý cho cất nhà tạm để buôn bán, không
giải quyết hộ khẩu". Như vậy, phần đất trên (tức khu chợ và những hộ
sinh sống trong khu vực chợ này) thuộc về đình.
Thấy cảnh buôn bán nhếch nhác, ảnh hưởng đến mĩ quan và sự tôn nghiêm của đình, chính quyền đề nghị hỗ trợ cọc bê-tông xây tạm hàng rào để bảo vệ đình. Sau đó cuộc họp giữa Ban quý tế đình và chính quyền xã Phú Hòa là ông Phạm Thanh Quang (tức ông Tư Quang, lúc đó làm Bí thư Đảng ủy xã) vào ngày 20-12-1995, ghi rõ: "Sau khi chợ đã làm lại thì Ủy ban sẽ trả lại đường thông, hè thoáng cho đình để giữ vẻ tôn nghiêm cho dân chúng đến lễ hội".
Ông Phan Văn Hoàng (bên phải) và ông Trần Văn Hai (bên trái), đại diện Ban quý tế đình Phú Lợi bên gốc đa và khu đất bị giải tỏa của đình.
Sự “nhầm lẫn” của Biconsi
Năm 2008, dự án Khu thương mại chợ Đình Phú Lợi được quy hoạch. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Xây dựng - Tư vấn Đầu tư Bình Dương (viết tắt là Công ty Biconsi). Theo đó, Công ty này lấy phần đất 4.932 m2 trên và phần đất trước đình, đồng thời, còn làm đường trên phần đất cạnh cổng đình Phú Lợi.
Ngày 23-4-2009, tại Biên bản làm việc giữa UBND thị xã Thủ Dầu Một,
đại diện Công ty Biconsi và Ban quý tế đình Phú Lợi đã xác định Công ty
Biconsi hỗ trợ 200 triệu đồng cho Ban quý tế đình vì có công tôn tạo và
gìn giữ lâu đời phần đất thuộc kho lương thực cũ (tức phần đất 4.932
m2). Ngoài ra, cần phải giữ lại cây đa trên phần đất của chợ Đình cũ,
nếu xây dựng trên phần đất đó thì phải cách cây đa 2m…
Tuy nhiên, Công ty Biconsi lại hỗ trợ 200 triệu đồng cho phần đường đi là 110,5 m2 (thực tế, theo Ban quý tế, diện tích đường đi là 160 m2) mà không hỗ trợ công tôn tạo cho khu đất thuộc kho lương thực cũ. Giải thích việc trên, lãnh đạo Biconsi cho rằng: Ông Nguyễn Mậu Cư đã thay mặt Ban quý tế đình Phú Lợi kí nhận 200 triệu đồng cho phần con đường rồi nên họ không hỗ trợ thêm nữa. Ông Cư thắc mắc với đại diện Công ty Biconsi: "Theo cam kết tại Biên bản ngày 23-4-2009, nếu Công ty đã trả 200 triệu đồng cho phần đường đi, vậy thì Công ty còn thiếu chúng tôi 200 triệu đồng tiền hỗ trợ cho phần đất ở kho lương thực cũ". Ban quý tế nhiều lần gửi đơn tới Công ty và chính quyền yêu cầu làm theo Biên bản thỏa thuận ngày 23-4-2009, nhưng không được công ty giải quyết.
Theo Biên bản trên, Biconsi phải hỗ trợ 200 triệu đồng cho khu đất
4.932 m2. Còn phần đường đi 160 m2 là dạng bồi thường theo thỏa thuận,
không thuộc diện hỗ trợ, vì phần đất này là do Công ty Biconsi lấy để
làm đường cho dự án thương mại chợ Đình Phú Lợi. Việc bồi thường phần
đất này phải có sự thỏa thuận của đôi bên. Giá bồi thường phải theo giá
thị trường. Công ty Biconsi đã "nhầm lẫn" theo kiểu "lấy râu ông nọ cắm
cằm bà kia". Trong khi, diện tích, vị trí hai khu đất khác nhau và quy
định về thu hồi đất, tính giá đền bù thiệt hại cũng khác nhau (áp giá
bồi thường theo sự thỏa thuận và tiền hỗ trợ).
Rõ ràng, việc "nhầm lẫn" trên đây vừa trái luật, sai với thỏa thuận giữa các bên, lại vừa thiếu tình, thiếu lí. Chưa kể, Công ty Biconsi dù chưa thỏa thuận xong, chưa được sự đồng ý của người dân và Ban quý tế đình Phú Lợi, nhưng đã nhiều lần tới phá cổng đình, đập tường bao, đổ đất trước cổng đình… gây bức xúc cho người dân