Mùa họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay của các doanh nghiệp niêm yết lại chứng kiến việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục rót thêm vốn vào các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản. Điều này diễn ra trong lúc Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối.

Xu thế ngược
Ảnh: Tuệ Doanh.
Hôm 13-3, Công ty cổ phần Xây lắp cơ khí và Lương thực thực phẩm (MCF) đã thông báo nghị quyết của Hội đồng quản trị trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2012. MCF chào bán cổ phiếu phát hành đợt 2 nhằm nâng vốn điều lệ công ty từ 35 tỉ đồng lên 80 tỉ đồng, trong đó đề nghị Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) mua 720.026 cổ phiếu (tương đương 7,2 tỉ đồng), tính ra khoảng 45% tổng giá trị đợt phát hành thêm. Ngày 30-3, kết quả họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2012 cho thấy, kết quả tăng vốn thành công. Và Vinafood 2, sau khi mua thêm cổ phiếu đã chiếm tới 60% vốn điều lệ tại MCF.


Trước đợt tăng vốn, vì có 51% cổ phần của Vinafood 2 , MCF đã được hưởng những lợi thế rất lớn về kinh doanh lương thực - bao bì (đều được Vinafood 2 phân chỉ tiêu tiêu thụ), xây dựng nhà xưởng hay sản phẩm cơ khí cũng được bao tiêu. Nói khác đi là MCF kinh doanh theo chỉ định, không phải chịu áp lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Thêm nữa, trong nhiều năm, Vinafood 2 còn đứng ra bảo lãnh cho công ty vay vốn tại các ngân hàng thương mại phục vụ mua tạm trữ lương thực (theo trang web của MCF). Nay việc tăng tỷ lệ sở hữu của Vinafood 2 tại MCF càng cho thấy sự bành trướng của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo ngày một lớn.


Vinafood 2 là một tổng công ty nhà nước, họ không phải giải trình với cơ quan quản lý như Bộ Công Thương về khoản đầu tư vào các doanh nghiệp khác. Nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi về việc: khi tỷ lệ sở hữu của Vinafood 2 ở MCF tăng thì những ưu đãi dành cho MCF có tăng không.


Vấn đề tương tự đã xảy ra ở Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVX). Theo nghị quyết Hội đồng quản trị tập đoàn Dầu khí (PVN) gửi Chính phủ năm 2010, tập đoàn này đề xuất lộ trình thoái vốn ở các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản. Hàng chục doanh nghiệp bất động sản “ăn theo” thương hiệu PVN đã phải ra đi. Số doanh nghiệp xây dựng, bất động sản mà PVN sở hữu cổ phần chi phối theo đề án tái cơ cấu mới đây sẽ dần được thoái vốn, trong đó kế hoạch là PVN sẽ thoái dần vốn ở PVX xuống còn 20%. Song, ở thời điểm này, PVN lại tăng vốn ở PVX bằng cách mua 110 triệu /137,49 triệu cổ phiếu phát hành thêm của PVX bị ế, nâng tổng số vốn nhà nước ở PVX lên 53,25%.


Vấn đề là ngay trước thời điểm PVN rót vốn vào PVX, Thủ tướng vừa có văn bản yêu cầu PVN không được tiếp tục rót vốn vào dự án tòa tháp dầu khí (PVN Tower), chuyển lại toàn bộ dự án cho PVX để tập trung đầu tư vào ngành kinh doanh chính.


Một mặt phải thoái vốn ở PVN Tower theo chỉ đạo của Chính phủ, mặt khác lại rót vốn cho PVX qua đợt phát hành thêm, phải chăng PVN đã tìm cách lách chỉ đạo của Chính phủ. Và một câu hỏi được đặt ra là liệu số vốn rót cho PVX có lấy từ 3.500 tỉ đồng lợi nhuận năm 2010 mà Quốc hội và Chính phủ để lại tái đầu tư cho PVN?


Mùa họp đại hội đồng cổ đông năm nay của các doanh nghiệp niêm yết lại chứng kiến việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục rót thêm vốn vào các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ.
Chưa hết, mới đây cả Viettel và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đều “cứu” Vinaconex (VCG) bằng cách mua thêm 70,86% tổng số cổ phiếu phát hành thêm ở VCG. Qua giao dịch này, Viettel hiện nắm giữ 21,28% cồ phần ở VCG.

Nghị quyết số 01/2012 của Chính phủ đầu năm đã nêu rõ yêu cầu: “Phải tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối”. Nhiều chỉ thị, văn bản khác của Chính phủ suốt những năm qua yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện nghiêm vấn đề này và các đề án tái cơ cấu trình lên Chính phủ trong quí 1 năm nay cũng phải thực hiện trên cơ sở đó.


Vậy, tại sao các tập đoàn, tổng công ty vẫn tiếp tục gia tăng vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp như trên, đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ mà không bị xử lý?

Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.