Nghị quyết 42 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nghị quyết này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân.

Quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vước mắc. Ảnh minh hoạ

Còn nhiều vướng mắc

Chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc thời hạn 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD có hiệu lực từ ngày 15.8.2017.

Trong gần 5 năm thực hiện, Nghị quyết 42 đã phát huy những mặt tích cực nhưng cũng phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập làm hạn chế công tác xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản bảo đảm bảo của các TCTD.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết Nghị quyết 42 cho phép các TCTD được quyền thu giữ tài sản bảo đảm; mua bán nợ xấu và tài sản biến động (TSBĐ) theo giá thị trường.

Nghị quyết cho phép tòa án áp dụng thủ tục để giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm; quy định về phương thức xử lý nợ xấu trong trường hợp TSBĐ là quyền sử dụng đất, bất động sản bị kê biên.

Nghị quyết cũng quy định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; quy định nghĩa vụ thuế, phí khi chuyển nhượng TSBĐ…

Tính đến cuối năm 2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 1.300 nghìn tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, giai đoạn 2012-2015 xử lý được 493,1 nghìn tỉ đồng; giai đoạn 2016-2021 xử lý được trên 800 nghìn tỉ đồng.

Số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý thu hồi trong giai đoạn từ ngày 15.8.2017 đến cuối năm 2021 đạt trung bình khoảng 6,92 nghìn tỉ đồng/tháng, cao hơn 3,94 nghìn tỉ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 42 (giai đoạn năm 2012-2017).

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD trong giai đoạn 2016-2021 được duy trì dưới mức 3%.

"Những kết quả đạt được đã cho thấy vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 42 trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu, thu hồi vốn cho các TCTD để tái đầu tư, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế”, ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn và vướng mắc đến nay vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn, hoặc cách áp dụng chưa đồng bộ, thiếu thống nhất đã làm hạn chế công tác xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của các TCTD.

Có 5 vướng mắc được ông Hùng đặt ra.

Thứ nhất là vướng mắc trong thu giữ tài sản bảo đảm. Việc thu giữ hạn chế, gặp nhiều vướng mắc do phần lớn các hợp đồng bảo đảm cũ chưa có nội dung đáp ứng điều kiện tại điểm b khoản 2 Điều 7 NQ 42.

Theo đó, hợp đồng bảo đảm phải có thỏa thuận việc Bên bảo đảm đồng ý cho các TCTD có quyền thu giữ TSBĐ. Do đó, phần lớn không triển khai được việc thu giữ.

Bên cạnh đó cũng chưa có quy định cụ thể trong việc xử lý đối với từng loại TSBĐ (động sản và bất động sản), các tài sản đặc thù, những trường hợp đặc biệt.

Thứ hai là vướng mắc trong áp dụng thủ tục rút gọn. Ông Hùng chỉ ra rằng trên thực tế, hầu như chưa có TCTD nào áp dụng thành công thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp theo Nghị quyết 42.

Nguyên nhân chính là Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42 chỉ áp dụng đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ, tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD mà chưa quy định rõ việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các TCTD với khách hàng vay.

Do đó, chưa tạo được cơ sở pháp lý cho tòa án áp dụng thủ tục rút gọn rộng rãi khi TCTD khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp HĐTD.

Thứ ba là vướng mắc trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán từ tiền bán/phát mại TSBĐ.

Thứ tư là khó khăn về nhận lại TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự.

Điều 14 Nghị quyết 42 quy định: “Sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là TSBĐ của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là TCTD…”.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích và lượng hóa các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể về việc “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”.

Thứ năm là vướng mắc trong nguyên tắc áp dụng pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu.

Theo ông Hùng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42, một số cơ quan có thẩm quyền đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan cấp dưới hoặc áp dụng trong nội bộ ngành mình có nội dung tiếp tục duy trì việc áp dụng các luật chuyên ngành như trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Điều này dẫn đến mục tiêu ban hành các chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ xử lý, thu hồi nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 không đạt được toàn diện. Một số chính sách hỗ trợ hoạt động xử lý nợ xấu trong Nghị quyết 42 chưa đi vào thực tiễn.

Cần luật hoá Nghị quyết 42

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật ANVI, cho rằng thời hạn thực hiện Nghị quyết 42 chỉ còn 6 tháng (đến 15.8.2022). Nếu không được tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này, thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu bùng phát sau hậu quả của đại dịch Covid-19.

“Vì vậy, cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn. Hợp lý nhất là nâng lên thành luật để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả nợ xấu của ngành ngân hàng nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành luật, thì cần tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết này”, luật sư Đức cho hay.

Cũng theo ông Đức, Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được tiếp tục duy trì trong khoảng tối thiểu 5-10 năm nữa, cho đến khi nào tòa án thực sự bảo đảm được trên thực tế yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm nói riêng, các vụ án đòi nợ nói chung một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Chủ đề: Nợ xấu ngân hàng,
  • Nợ xấu có xu hướng gia tăng trong năm 2022

    Nợ xấu có xu hướng gia tăng trong năm 2022

    Trong năm 2022, những yếu tố vĩ mô trên thế giới và Việt Nam tiếp tục có tác động lớn tới tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó tác động tới diễn biến nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.