21/02/2022 9:34 AM
Trong năm 2022, những yếu tố vĩ mô trên thế giới và Việt Nam tiếp tục có tác động lớn tới tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó tác động tới diễn biến nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Nợ xấu tăng mạnh

Theo TS. Cấn Văn Lực, đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 và tiếp tục kéo dài với diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng sâu sắc tới toàn bộ nền kinh tế, tác động tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Ông Lực cho rằng không ngạc nhiên khi tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng mạnh kể từ năm 2020, và dự kiến sẽ còn tăng trong giai đoạn tới.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 mới được các ngân hàng công bố, nợ xấu có xu hướng gia tăng rõ rệt tại một số ngân hàng, thí dụ như VPBank (tăng 60% so với 2020), Vietinbank (49%), VIB (58%), HDB (43%)... Bình quân số dư nợ xấu 28 NHTM niêm yết và Agribank tăng 17,3% so với năm 2020.

Trên thực tế, để ứng phó với diễn biến tiêu cực của nợ xấu, các TCTD đã chủ động phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro (tỷ lệ bao phủ nợ xấu bình quân của 28 NHTM niêm yết và Agribank (chiếm khoảng 80% thị phần tổng tài sản) đã tăng lên mức 150% cuối năm 2021, mức cao nhất từ trước tới nay.

Song không thể phủ nhận nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, và gánh nặng đối với hệ thống TCTD là không nhỏ.

Dự báo tiếp tục tăng

Theo ông Lực, có ba yếu tố được xem xét để dự báo nợ xấu trong năm 2022.

Thứ nhất là môi trường vĩ mô thế giới 2022. Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng đà tăng sẽ chậm lại do các nước sẽ dần thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ nhằm ứng phó lạm phát đang ở mức cao (khoảng 3,5% so với mức 3,2% năm 2021 và 2% năm 2020) và dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn.

Tuy nhiên, trong tháng 1.2022, báo cáo cập nhật của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB, OECD... đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 so với các dự báo trước đó.

Điều này phản ánh kinh tế thế giới vẫn sẽ diễn biến phức tạp do phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt diễn biến khó lường của dịch Covid-19.

Lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia lớn dẫn đến các chính sách tiền tệ tài khóa thu hẹp. Các hoạt động đầu tư thận trọng hơn sẽ suy giảm sức cầu.

Điều này chắc chắn sẽ có những tác động không tích cực lên nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng.

Tiếp đó là môi trường vĩ mô Việt Nam 2022. Ở trong nước, nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục đà phục hồi khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, gia tăng độ bao phủ vaccine, từng bước mở cửa nền kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”, chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi, chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 chính thức được thông qua... Đây được coi là những nền tảng quan trọng để nền kinh tế phục hồi nhanh.

Theo kịch bản tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, dự báo GDP có thể đạt 6,5-7% năm 2022 và 7-7,5% năm 2023; CPI bình quân tăng 3,5-3,8% năm 2022-2023.

Tuy nhiên, theo kịch bản tiêu cực thì cũng có thể chỉ tăng trưởng 5-5,5% năm 2022 và 6% năm 2023.

Thứ ba, môi trường pháp lý của Việt Nam có tác động đến nợ xấu hệ thống TCTD. Trong thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã nỗ lực hoàn thiện và tạo tiền đề cho các khung pháp lý về xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng như Thông tư 11/2021, Thông tư 16/2021…

Việc ban hành kịp thời các Thông tư 01, 03, và 14 của NHNN đã góp phần không nhỏ hỗ trợ các doanh nghiệp và giảm cú sốc nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro và tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, đến nửa cuối năm 2022, các vấn đề về khung pháp lý có thể xoay chuyển theo hướng không có lợi cho vấn đề xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng.

Cụ thể, Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực từ ngày 30.6.2022, và nếu không được gia hạn thì nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu theo Thông tư này sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, khiến rủi ro nợ xấu khả năng tăng cao.

Hơn nữa, Nghị quyết 42 cũng sẽ hết hiệu lực từ 15.8.2022 và khi đó thì toàn bộ cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này cũng sẽ kết thúc. Trong trường hợp Nghị quyết 42 không được gia hạn hoặc luật hóa sẽ gây ra việc thiếu hụt các cơ chế xử lý hiệu quả nợ xấu.

Do đó, tiến độ cũng như hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, gây ra tình trạng nợ xấu cũ chưa xử lý tiếp tục tồn đọng, quá trình xử lý nợ xấu mới phát sinh từ đại dịch sẽ kéo dài hoặc không thể giải quyết được, gây bất ổn cho hệ thống các TCTD nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.

“Tóm lại, dự báo bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới cùng với môi trường pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu trong năm 2022 không hoàn toàn thuận lợi cho vấn đề giải quyết nợ xấu của hệ thống TCTD”, ông Lực nhận định.

Theo chuyên gia này, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn trong năm 2022, hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khiến nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022 khi mà tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, phá vỡ thành quả tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020.

Do có độ trễ, nợ xấu nội bảng được dự báo có thể lên mức 2,3-2,5% và nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn khi từ năm 2024, qui định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14), nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan.

Ông Lực cho rằng, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc Hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan

Hoặc ít nhất là gia hạn, có điều chỉnh phù hợp Nghị quyết 42 theo hướng tiếp thu các mặt được, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.