Các chuyên gia cho rằng, để quá trình xử lý nợ xấu mang lại hiệu quả cao hơn, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cần nhanh chóng, chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc.

Đến nay, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) đã đi được hơn 1/3 chặng đường thực hiện. Dù kết quả đã đạt được là khá rõ nét, nhưng theo các chuyên gia và những người thực hiện xử lý nợ trực tiếp thì vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ để Nghị quyết 42 phát huy hiệu quả cao hơn...

Đi vào thực chất

Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu được ban hành và hiệu lực từ 15/8/2017 đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành lang pháp lý xử lý nợ xấu. Nghị quyết đã tháo gỡ nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đó là khẳng định quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng và công ty mua bán tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC); cho phép mua bán nợ-xấu và tài sản đảm bảo theo giá thị trường; cho phép Tòa án áp dụng thủ tục để giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực đánh giá cách thức quản lý, theo dõi, đánh giá nợ xấu có bước tiến rõ nét làm động lực thúc đẩy xử lý nợ xấu theo hướng chủ động và thực chất hơn. Theo đó, tại Đề án 1058 về "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020," mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu gộp (gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn) về mức 3% đến năm 2020 đã được đưa ra thay cho chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu thường thấy trước đây.

Cũng theo ông Lực, việc đưa ra mục tiêu tỷ lệ nợ xấu gộp đã giúp cho công tác quản lý nợ xấu tại các cơ quan quản lý cũng như tổ chức tín dụng đi vào thực chất hơn, tạo động lực và cả áp lực đối với hệ thống các tổ chức tín dụng trong việc tích cực, chủ động xử lý nợ xấu.

Chính vì vậy, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đã giảm xuống mức 1,89% (so với mức 1,99% cuối năm 2017 và 2,46% cuối năm 2016) và tỷ lệ nợ xấu gộp khoảng 6,67% tổng dư nợ, giảm mạnh so với mức 10,08% vào cuối năm 2016 và 7,36% cuối năm 2017.

Tại buổi công bố kết quả hoạt động quý 1, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng Một, ước tính toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 204.400 tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40,1% tổng số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Riêng năm 2018 đã xử lý được 113.400 tỷ đồng, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng ước đạt 117.200 tỷ đồng.

Bà Hồng cho biết, kết quả xử lý nợ xấu như vậy là rất khả quan. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang được duy trì dưới 2%.

Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh, đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Còn nhiều vướng mắc

Theo bà Hồng, ngay sau khi có Nghị quyết 42, những vướng mắc, khó khăn trong xử lý nợ xấu đã được khắc phục một phần cơ bản. Tuy nhiên bà Hồng cũng thừa nhận một thực tế “vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, chủ yếu là những vấn đề liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo.”

Chủ tịch Hội đồng quản trị VAMC Nguyễn Tiến Đông cho biết, hiện tại, VAMC cũng như tổ chức tín dụng đang gặp một số vướng mắc trong quá trình triển khai theo Nghị quyết 42.

Đơn cử, việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn rất hạn chế, thứ tự ưu tiên xử lý trong vụ việc có nhiều tài sản thi hành án được hiểu và áp dụng khác nhau. Trong chuyển nhượng dự án bất động sản cũng gặp vướng mắc. Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương vẫn chưa đồng đều do cách hiểu khác nhau, nên có nơi hỗ trợ rất tốt, nhưng có nơi vẫn chưa tích cực...

Ảnh minh họa. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Ông Đông nhấn mạnh, giải quyết những vấn đề lớn này cần sự vào cuộc chung của toàn hệ thống để chỉnh sửa kịp thời các quy định được đặt ra như Bộ Tài chính có quy định cụ thể về nghĩa vụ thuế như thế nào, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn chuyển nhượng dự án bất động sản ra sao...

Một điểm nữa mà hầu hết các vụ việc đều có liên quan là quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng - nội dung được xem là một trong những đột phá của Nghị quyết 42, nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không hề đơn giản.

Theo Nghị quyết 42, quyền thu giữ tài sản bảo đảm đi kèm với điều kiện hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ tài sản bảo đảm, trong khi đó tính đến thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, nhiều hợp đồng thế chấp chưa có điều khoản này. Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần đàm phán với bên vay để điều chỉnh hợp đồng.

Ngoài ra, ngay cả với những khoản vay đáp ứng được điều kiện này thì việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng vẫn cần đến sự hỗ trợ của cơ quan công an các cấp. Tuy nhiên, đến nay Bộ Công an vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về cơ chế, cách thức thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp bên bảo đảm chống đối, không hợp tác. Do đó, việc thu giữ tài sản bảo đảm thành công hay không hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay (bên bảo đảm).

Các chuyên gia cho rằng, để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu đề ra, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cần nhanh chóng, chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc nêu trên. Đồng thời, cần nghiêm túc thực hiện đánh giá kết quả thực hiện giữa kỳ vào thời điểm cuối năm 2019...

Thúy Hà (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.