23/06/2018 8:40 PM
Thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về “Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, các bộ, ngành liên quan đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Dù đã đạt được một số kết quả, song việc triển khai vẫn thiếu tính đồng bộ, thiếu cơ chế xử lý tài sản...
Thủ tướng yêu cầu triển khai thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, bảo đảm cho hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò cung ứng vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Để thực hiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN, quy định cụ thể các biện pháp, trách nhiệm mà Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần thực hiện. Cùng với đó, Tòa án nhân dân Tối cao đã có Công văn số 152/TANDTC-PC ngày 19-7-2017 hướng dẫn tòa án các cấp giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu...
Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ bước đầu, qua gần một năm triển khai, kết quả tổ chức thi hành án liên quan đến án tín dụng, ngân hàng cao hơn năm trước. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng số việc phải thi hành loại này là gần 21.000 việc, tương ứng với số tiền là gần 95.000 tỷ đồng. Kết quả: Thi hành xong 1.676 việc, thu được số tiền hơn 10.708 tỷ đồng, đạt 7,79% về việc và 11,28% về tiền, tăng so với cùng kỳ năm 2017 về giá trị tuyệt đối (tăng 22 việc và tăng hơn 184 tỷ đồng).
Dù vậy, song Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng vẫn quan ngại khi số tiền và việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng tăng qua các năm. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự các cấp với tổ chức tín dụng chưa thực sự nhịp nhàng.
Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội Trần Quốc Thái cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc thi hành án gặp khó khăn, hầu hết đều liên quan đến cơ chế xử lý tài sản thiếu linh hoạt, đặc biệt là với trường hợp tài sản trong hợp đồng nhận thế chấp không đúng với thực tế tài sản, như: Diện tích đất thực tế không đúng, tài sản không đủ theo hợp đồng, không nhận thế chấp tài sản gắn liền trên đất, nhưng trên đất có tài sản là nhà ở của người khác.
Ngoài ra, có trường hợp khi thế chấp chỉ có nhà cấp 4 hoặc 1 tầng nhưng đến thời điểm xử lý bảo đảm thi hành án thì người có tài sản đã nâng cấp, cơi nới rất nhiều. Đây là thực tế đã xảy ra tại một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Tây Ninh, khiến cả tổ chức tín dụng và cơ quan thi hành án lúng túng.
Ở góc nhìn khác, đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi thông tin, nhiều vụ việc bán đấu giá tài sản không có người mua như, vụ Công ty TNHH Thương mại Hiệp Long phải trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam hơn 186 tỷ đồng, nhưng khi kê biên, thẩm định giá thì giá trị tài sản thế chấp chỉ còn trên 61 tỷ đồng.
Dù đã hạ giá lần thứ 17, nhưng chỉ bán được một số tài sản thu về hơn 23 tỷ đồng. Chưa kể, việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 nhưng chưa có hướng dẫn về các khoản thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chưa được thanh toán, phí mà người phải thi hành án còn nợ, khiến việc thi hành án có lúc bị tắc.
Thực tế trên đòi hỏi cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan liên quan nhằm khắc phục tình trạng một số quy định chưa phù hợp hoặc thiếu hiệu quả. Ngoài ra, không ít chấp hành viên cho rằng, lãnh đạo chi cục cần sát sao hơn nữa trong việc theo dõi, đôn đốc công việc của các chấp hành viên, khen thưởng dựa trên số việc thi hành xong chứ không tính trên tỷ lệ để tạo động lực, khuyến khích tinh thần làm việc của công chức đối với loại án khó này.
Hồ Bách (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.