Chính sách thuế khoán từng là công cụ hỗ trợ cơ quan thuế, giờ đây dần trở thành rào cản
Thuế khoán: Giải pháp tình thế không còn phù hợp
Trong giai đoạn trước đây, khi hạ tầng công nghệ thông tin và năng lực quản lý thuế quốc gia còn nhiều hạn chế, chính sách thuế khoán đã được áp dụng như một giải pháp mang tính thực dụng và tình thế. Phương pháp này nhằm mục đích đơn giản hóa quy trình quản lý và thu thuế đối với một lượng lớn các hộ kinh doanh cá thể có quy mô nhỏ, vốn gặp khó khăn trong việc ghi chép sổ sách và kê khai thuế chi tiết. Ưu điểm của thuế khoán lúc bấy giờ là tính dễ áp dụng, giảm tải cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp.
Tuy nhiên, phương pháp khoán cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như: không khuyến khích minh bạch doanh thu, bởi hộ kinh doanh có thể khai thấp hơn doanh thu thực tế để giảm mức thuế khoán; gây khó khăn cho Cơ quan Thuế trong việc kiểm soát doanh thu, dễ dẫn đến thất thu ngân sách. Trong khi đó, các yêu cầu về tính minh bạch và sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với mọi chủ thể kinh doanh ngày càng trở nên cấp thiết và là thước đo quan trọng về sự lành mạnh của môi trường kinh doanh.
Hiện nay, theo thống kê của ngành thuế, cả nước có hơn 1,5 triệu hộ kinh doanh nộp thuế theo hình thức khoán. Doanh thu, mức thuế của các hộ này thường được cơ quan thuế xác định bằng phương pháp ước lượng, dựa trên thông tin gián tiếp. Theo tính toán, mức thuế khoán trung bình mỗi hộ chỉ khoảng 670.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, các hộ tự kê khai, dù cùng quy mô lại nộp trung bình tới 4,6 triệu đồng/tháng. Khoảng cách quá lớn này là chỉ dấu rõ ràng cho thấy thuế khoán không còn phản ánh đúng năng lực tài chính và quy mô thực tế của người nộp thuế. Chính điều này đã khiến thuế khoán trở thành một hình thức “mặc cả ngầm”, tiềm ẩn nguy cơ thất thu ngân sách, tạo ra sự thiếu minh bạch và bất công với các hộ kinh doanh tuân thủ nghiêm túc.
Điều này cho thấy, chính sách từng là công cụ hỗ trợ giờ đây dần trở thành rào cản đối với mục tiêu quản lý thuế hiện đại, công bằng và hiệu quả. Trước thực tế trên, Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ đã yêu cầu các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền.
Việc quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử sẽ được áp dụng theo quy trình mới nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả giám sát hóa đơn, tránh thất thu thuế. Theo đó, từ ngày 1/6, hàng chục nghìn hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm thuộc các nhóm ngành nghề như: ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ… trên cả nước sẽ không còn nộp thuế khoán. Những hộ này sẽ chuyển sang xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Giải trình tại Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, chính sách bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh từ 1/1/2026 là chủ trương đúng đắn, tạo bình đẳng, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Tăng minh bạch, cạnh tranh công bằng
Bộ Tài chính đang thí điểm chính sách này tại một số địa bàn và đã cho thấy chính sách này hiệu quả, cần được chính thức triển khai sớm. Bộ cũng đang chỉ đạo cơ quan thuế hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký, kê khai thuế, tăng ứng dụng công nghệ để giảm gánh nặng chi phí. Bên cạnh đó, chính sách thuế phí cũng được xây dựng trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu. Trong thời gian ngắn có thể giảm nguồn thu nhưng về dài hạn các chính sách này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.
Cùng chung nhận định này, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc – thẳng thắn nhận định, thuế khoán tồn tại một thời gian dài, đến nay không còn phù hợp. Đây là cơ chế dễ phát sinh "thỏa thuận ngầm". Hiện nay, với công nghệ hiện đại như máy tính tiền, hóa đơn điện tử... không có lý do gì để duy trì thuế khoán”. Việc xóa bỏ thuế khoán sẽ không gây khó khăn lớn như lo ngại, bởi đa số hộ kinh doanh hiện nay đều sử dụng điện thoại thông minh, có thể truy cập các phần mềm hỗ trợ kê khai, nộp thuế trực tuyến một cách dễ dàng.
Không chỉ vậy chuyên gia khẳng định, chấm dứt thuế khoán được xem là một bước ngoặt mang tính thể chế quan trọng và cần thiết nhằm đưa công tác quản lý thuế tiến kịp với thực tiễn kinh tế số. Việc chuyển đổi sang các phương pháp quản lý dựa trên dữ liệu và giao dịch thực tế không chỉ đảm bảo sự công bằng hơn giữa người nộp thuế, thúc đẩy các hộ kinh doanh minh bạch hóa hoạt động và tham gia sâu hơn vào nền kinh tế chính thức, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một hệ thống thuế hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số, một chuyên gia nhận định.
Đứng ở góc độ chuyên gia tư vấn thuế, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, hộ kinh doanh không nên quá lo lắng. Cần phải hiểu kê khai ở đây không phải là kê khai theo luật Thuế Giá trị gia tăng giống với tổ chức, doanh nghiệp mà chỉ là thực hiện đầy đủ hóa đơn, chứng từ và chế độ kế toán đơn giản.
Trước đây, hộ kinh doanh áp dụng thuế khoán nghĩa là lấy doanh thu khoán nhân với tỷ lệ quy định, không quan tâm đến kinh doanh lớn hay nhỏ, lãi hay thua lỗ. Còn quy định kê khai thuế ở đây, đơn giản là doanh thu kê khai, số thu thực tế bán hàng và cũng nhân với tỷ lệ quy định. Nộp thuế theo kê khai tức là doanh thu cao phải nộp thuế cao, thấp thì nộp thấp mới đúng về bản chất của nghĩa vụ thuế.
Tuy vậy, với một số hộ chuyển sang kê khai, thủ tục sẽ trở nên phức tạp hơn do phải ghi sổ sách kế toán, điều này có thể làm tăng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế. Ông Nguyễn Văn Được chia sẻ: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hộ và cá nhân kinh doanh trong việc xác định doanh thu, chi phí và nghĩa vụ thuế theo từng lĩnh vực hoạt động, đồng thời từng bước triển khai việc nộp thuế theo phương pháp kê khai, việc ứng dụng công nghệ số được xem là giải pháp thiết yếu...
-
Tổng Bí thư Tô Lâm và tư duy lý luận mới về kinh tế tư nhân
Bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm, đăng trên các cơ quan báo chí ngày 11/5/2025, có thể xem là một cột mốc quan trọng trong tư duy lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn mới.
-
Khai phá tiềm năng quỹ đầu tư mạo hiểm cho phát triển kinh tế tư nhân
Dòng vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm có thể trở thành động lực hỗ trợ khu vực tư nhân khởi nghiệp trong công nghệ cao, vốn được xem là lực lượng dẫn dắt đổi mới sáng tạo và tăng trưởng dài hạn.
-
Quốc hội quyết tâm cải cách thể chế, thúc đẩy kinh tế tư nhân
Tại buổi họp báo giới thiệu Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội đã khẳng định vai trò then chốt của cải cách thể chế trong thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
-
Miễn thuế khoán: "Cửa sáng" cho kinh doanh nhà trọ
Theo Thông tư 187 của Bộ Tài chính, hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên sẽ được miễn thuế VAT với điều kiện rất "dễ thở".







