Năm 2005, ông Nguyễn Trọng Nam (quận 9, TP.HCM) bị
chính quyền thu hồi đất để xây dựng khu công nghệ cao. Ông được bố trí
một nền đất tái định cư (diện tích 140 m2 ) tại phường Long Bình, quận
9. Lúc nhận nền đất, ông đã nộp 1/2 giá trị đất. Nay khi đất này có giấy
đỏ thì chủ đầu tư không cho nộp tiếp 1/2 còn lại để nhận giấy.
Mua bán lòng vòng
Ngày 1-7-2006, do cần tiền để nộp tiếp cho chủ đầu
tư, ông Nam đã làm giấy tay chuyển nhượng nền đất cho ông Đ. với giá 250
triệu đồng. Theo thỏa thuận, ông Nam đã giao cho bên mua các loại giấy
tờ bản chính có liên quan đến nền đất. Ông Nam cũng cam kết sẽ hoàn tất
việc đóng tiền để có giấy đỏ và sau đó làm thủ tục chuyển nhượng hợp
pháp cho ông Đ. Tuy nhiên, bên mua lại không trả đủ tiền cho ông Nam.
Tháng 10-2010, ông Nam yêu cầu bên mua trả 101 triệu đồng để ông lấy
giấy đỏ nhưng bên mua chỉ đồng ý trả 50 triệu đồng.
Ngày 30-12-2010, ông Nam gửi đơn ra TAND quận 9 yêu
cầu hủy hợp đồng mua bán đất nói trên. Bấy giờ, ông Nam mới biết là bên
mua đã bán tiếp nền đất này cho người thứ hai từ năm 2008. Đồng thời,
bên mua cũng đã giao toàn bộ bản chính giấy tờ đất cho người thứ hai.
Xử phúc thẩm vụ án, TAND TP.HCM nhận định cả hai bên
bán mua đều có lỗi ngang nhau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng đất chưa
có giấy tờ hợp lệ. Tòa này tuyên xử hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa
ông Nam với người mua. Ông Nam phải trả cho bên mua 149 triệu đồng;
đồng thời bồi thường thiệt hại cho người mua thứ hai hơn 170 triệu đồng.
Ngay sau khi thi hành án xong, ông Nam đã đến Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Công ích quận 9
(TP.HCM) nộp số tiền còn lại để nhận giấy đỏ. Tại đây, công ty yêu cầu ông nộp giấy tờ bản chính liên quan đến nền đất (như quyết định tái định cư; phiếu thu tiền nền; giấy xác nhận nền đất; hợp đồng giao nhận nền) nhưng ông đã không thể đáp ứng.
Chờ tòa giải quyết tiếp
Trao đổi với PV, ông Võ Đại Long, Phó Giám đốc Công
ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận 9 (TP.HCM), cho biết:
“Trong việc mua bán nền đất giữa ông Nam và các cá nhân khác thì công ty
không can thiệp. Bởi lẽ khi cấp giấy đỏ thì UBND quận chỉ cấp cho ông
Nam. Theo quy định, khi nhận giấy đỏ, chủ nền đất buộc phải nộp bản
chính các giấy tờ đất. Lúc đầu ông Nam nói đã làm mất và có thay bằng
đơn cớ mất. Chúng tôi đã định giao giấy cho ông nhưng rồi công ty nhận
được đơn ngăn chặn của một người cho biết họ đang giữ bản chính giấy tờ
đất. Qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết đó là người mua thứ ba và người
này không được tham gia phiên tòa mà ông Nam là nguyên đơn. Công ty đã
đứng ra sắp xếp cho các bên giải quyết hậu quả nhưng tiếc là giữa ông
Nam với ba người mua đất không thỏa thuận được. Mới đây, người mua thứ
ba đã gửi đơn kiện ra tòa nên công ty tạm dừng nhận tiền và trả giấy đỏ
cho ông Nam để tránh làm phức tạp thêm sự việc. Khi nào việc tranh chấp
này được giải quyết dứt điểm thì công ty sẽ trao giấy chứng nhận cho chủ
đất”.
Luật sư Lê Đăng Liệu (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Trong việc mua bán nhà, đất, thường thì rắc rối, rủi ro hay rơi vào phía người mua nhưng trong trường hợp này thì lại rơi vào phía người bán. Cần lưu ý, việc ký hợp đồng chuyển nhượng đất chưa có giấy tờ hợp lệ rất dễ bị tòa xử vô hiệu. Về lý, nếu không đồng ý bán nữa thì chủ đất có quyền yêu cầu tòa án hủy hợp đồng mua bán bằng giấy tay. Tuy nhiên, người bán cũng cần đề nghị tòa án buộc bên mua phải trả lại các giấy tờ đất. Do không làm như vậy nên chủ đất giờ phải chờ tòa án giải quyết các phát sinh đối với người mua đất thứ ba.