Tự ý phân lô, xây móng, dựng tường bao để chia phần, hàng trăm hộ gia đình đã tiến hành chuyển nhượng, mua bán và xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. Đây là thực trạng đã kéo dài nhiều năm tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại…

Đất nông nghiệp bị phân lô và xây dựng trái phép

Từ ruộng thành nhà

Trên hồ sơ địa chính, từ đầu ngõ 207 và 271 phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình trở vào trong hoàn toàn là đất nông nghiệp. Thế nhưng khi có mặt tại đây, phóng viên ANTĐ không khỏi bất ngờ bởi cả hai con ngõ nhỏ này đều đã san sát nhà cửa. Hàng trăm căn nhà từ cấp 4 lợp mái tôn cho đến những căn hộ kiên cố xây kiểu cách, tất cả đều vẫn còn khá mới chứng tỏ chúng được xây cách đây không lâu. Nếu so sánh với các khu vực “sốt” đất ngoại thành khác như Sóc Sơn, Đông Anh, Ba Vì… trước đây thì thực trạng này còn nhức nhối hơn gấp nhiều lần. Mật độ xây dựng và cư dân đã chuyển tới ở tại đây dày đặc tới mức khi làm đường Bùi Xương Trạch, UBND phường sở tại đã phải làm cả đường bê tông để lấy lối đi cho dân và tránh tình trạng lầy lội, ô nhiễm.

Bà Tạ Thị Hiền ở ngõ 1 phố Bùi Xương Trạch cho biết, không chỉ riêng 2 con ngõ này mà tại các khu vực khác như khu Đồng Tràm, đầm Hồng, khu cổng chùa Khương Đình, khu Mô chùa Thông hay khu giáp ranh xóm Hồng và xóm Cầu, tình trạng lén lút xây nhà trên đất nông nghiệp đều như vậy. Ngay như khu đầm Hồng vốn là đất ruộng và rộng tới 7,7ha nhưng hiện nay thì gần như chỉ thấy nhà cửa san sát chứ đất trống chẳng còn bao nhiêu nữa.

Khu Đồng Tràm cũng trong tình trạng tương tự với ước tính lên tới hơn 400 hộ dân. Gia đình bà Hiền cũng đã từng xây dựng công trình nhà cấp 4 trên đất nông nghiệp và mới đây đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế tháo dỡ. Lý giải cho việc này, bà Hiền nói: “Tôi biết xây nhà trên đất nông nghiệp như vậy là vi phạm pháp luật, nhưng do gia đình có nhu cầu bức thiết về chỗ ở. Hơn nữa, xung quanh thửa đất nhà tôi, người ta cũng xây dựng từ nhiều năm nay có ai bị sao đâu? Nếu địa phương dỡ bỏ công trình nhà tôi thì tại sao lại cho những công trình khác tồn tại? Việc xây dựng trái phép ở phường này là do nhà nọ nhìn nhà kia. Tôi đề nghị UBND phường đã xử lý tình trạng xây dựng trái phép thì phải xử lý đồng đều, tránh tình trạng thiên vị”.

Cũng theo bà Hiền, phương thức xây dựng trái phép của các hộ dân thường bắt đầu từ việc xây tường bao với lý do giữ đất. Sau một thời gian, phần tường bao này sẽ được quây kín bằng tôn. Tiếp đến, người ta sẽ xây tường gạch bên trong hoặc dựng khung sắt và lợp nốt phần mái. Đến lúc đó thì chỉ cần dỡ phần tôn đã quây xung quanh là một ngôi nhà đã hình thành và chỉ việc dọn vào ở. Dĩ nhiên để làm được như vậy một phần do sự buông lỏng quản lý của cán bộ thanh tra xây dựng cũng như chính quyền địa phương. Đổi lại, người ta có thể biến đất ruộng thành nhà và có thể sang nhượng bằng cách mua bán trao tay với giá cao gấp nhiều lần giá đất nông nghiệp.

Nguyên nhân do... lịch sử?

Về thực trạng này, ông Vũ Xuân Trung - Chủ tịch UBND phường Khương Đình cho biết: “Việc xây dựng trái phép trên địa bàn phường đã diễn ra từ nhiều năm trước khi tôi chưa về đây nhận công tác. Bên cạnh đó, địa phương cũng có một số dự án bị “treo” đã nhiều năm nay và đến giờ vẫn chưa có bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500.

Ví dụ như dự án xây dựng đường 2,5m cắt với đường Bùi Xương Trạch; dự án mở rộng đường Vương Thừa Vũ, đường Vũ Tông Phan… Ngoài ra, các dự án quy hoạch cải tạo đầm Hồng, đầm Khương Đình cũng chậm tiến độ nhiều năm. Chính vì vậy dẫn tới việc người dân tự phát xây dựng trên đất dự án, thậm chí nhiều hộ dân đã nhận đền bù từ dự án nhưng vẫn xây nhà. Chúng tôi đã báo cáo UBND quận xin ý kiến chỉ đạo xử lý những công trình không phép này. Tuy nhiên, nhiều công trình đã tồn tại hàng chục năm nên cũng rất khó khăn để ra quyết định tháo dỡ”.

Một công trình đã hoàn thiện và đang rao bán

Theo bà Đỗ Thị Thu Hiền, cán bộ địa chính phường Khương Đình, diện tích đất nông nghiệp của phường Khương Đình trước đây là hơn 37ha. Do chủ trương chia đất cho xã viên từ những năm 1990, cùng với việc triển khai các dự án ở đây khiến hệ thống thủy lợi bị phá nát và người dân không thể trồng trọt được nữa. Đây cũng là nguyên nhân khiến đất bỏ hoang và người dân tiến hành xây dựng trái phép. Dọc đường Bùi Xương Trạch, chỉ những nhà dân dọc hai bên đường mới có “sổ đỏ”. Còn lại các nhà phía trong đều là những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Thống kê từ Đội Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân cho thấy, khu vực đất nông nghiệp gần nghĩa trang phường Khương Đình bị xây dựng trái phép lên tới 15.000m2. Năm 2012, số lượng công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Khương Đình bị xử lý là hơn 100 trường hợp. Riêng năm 2016, tính đến thời điểm hiện tại là 59 trường hợp.

“Tình trạng này đã xảy ra từ khi xã Khương Đình còn chưa lên phường. Sau khi phường Khương Đình thành lập, việc xây dựng trái phép càng ngày càng tăng, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay. Hiện tại, UBND quận Thanh Xuân đang gấp rút chỉ đạo các ban ngành liên quan xử lý những trường hợp này” - ông Trần Trọng Khang - Đội trưởng Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân cho biết.

Nguyễn Long (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.