11/10/2010 1:58 AM
Hiệp hội hoa Đà Lạt cho biết, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chấp thuận cho công ty OTA Floriculture Auction - đơn vị chuyên tổ chức chợ đấu giá hoa hàng đầu của Nhật Bản - tư vấn giúp sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng lập dự án xây dựng trung tâm thương mại và đấu giá hoa Đà Lạt từ nay đến năm 2015.
Trung tâm dự kiến xây dựng trên diện tích khoảng 10 ha ở vùng hoa Thái Phiên thuộc phường 12, thành phố Đà Lạt với vốn đầu tư hơn 20 triệu USD từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Ông Nguyễn Đình Sơn, phó chủ tịch hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết khi hoàn thành, trước mắt, trung tâm sẽ là điểm cung cấp sỉ và lẻ hoa của nhà vườn Đà Lạt và các vùng lân cận. Sau đó, trung tâm này sẽ thành lập sàn giao dịch hoa và hoạt động theo mô hình của Nhật Bản hoặc Hà Lan nhưng với quy mô nhỏ, nhằm từng bước giúp doanh nghiệp và nhà vườn sản xuất, kinh doanh hoa trong nước mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản xuất của nghề trồng hoa .

* Theo ban quản lý dự án Quảng trường Đà Lạt, các đơn vị thi công đang triển khai lát đá hoa xanh trên vỉa hè đường Lê Đại Hành và đường Phạm Ngũ Lão với chiều dài khoảng 1,5 km thay cho kế hoạch lát gạch trước đây. Nguyên do của sự thay đổi vật liệu này là để thành phố Đà Lạt đẹp hơn, nhất là đường Lê Đại Hành – đoạn từ cầu Ông Đạo đến nhà thờ Con Gà - vốn có nhiều du khách đi bộ ngắm cảnh. Được biết, dự án chỉnh trang đô thị thành phố Đà Lạt gồm nhiều hạng mục với tổng mức đầu tư 19 tỉ đồng, trong đó kinh phí lát đá hoa xanh vỉa hè cho hai con đường trên hết 5 tỉ đồng.

Chị Lê Thị Hoài Hương, ngụ tại đường Lê Đại Hành cho biết vỉa hè lát đá hoa xanh thấy đẹp và sang hơn, nhưng cũng dễ làm khách bộ hành trượt té hơn vì đường ở Đà Lạt vốn dốc và thời tiết Đà Lạt vào ban đêm hoặc sáng sớm thường xuyên có sương mù làm ẩm ướt.
Cafeland.vn - Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland