Ngay sau khi cầu Thủ Thiêm 1 (nối quận 2 và Bình Thạnh) hoàn tất, UBND TPHCM đã kêu gọi đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Theo phương án thiết kế được UBND TP phê duyệt, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được xây tại vị trí nhà máy đóng tàu Ba Son hiện nay, vượt qua giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh để kết nối vào ngã tư Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng.
Thời điểm đó, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 được giao cho Vinaconex làm chủ đầu tư. Nhưng Vinaconex không có khả năng thực hiện nên đến nay dự án vẫn chưa khởi công.
Do đó, mới đây UBND TP đã chấp thuận chỉ định Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh là nhà đầu tư thực hiện dự án này thay thế cho Vinaconex. Dự án sẽ được đầu tư theo Hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).
Hầm Thủ Thiêm 1
Phương án thiết kế của dự án được điều chỉnh từ bốn làn xe theo thiết kế ban đầu lên sáu làn xe. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND TP cho phép Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm thuê tư vấn thẩm định giá trị quyền sử dụng đất đối với 11 lô đất trong khu đô thị Thủ Thiêm, làm cơ sở đàm phán hợp đồng BT với chủ đầu tư.
UBND TP cũng yêu cầu Công ty Đại Quang Minh có trách nhiệm trao đổi, thống nhất với Vinaconex để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, các công việc do Vinaconex đã thực hiện để triển khai tiếp dự án và giải quyết các vấn đề tài chính liên quan đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng.
Đây là cây cầu thứ hai nằm trong quy hoạch xây dựng bốn cầu Thủ Thiêm (cầu Thủ Thiêm 1 đã đưa vào sử dụng năm 2010) và hầm vượt sông Sài Gòn (đã đưa vào sử dụng năm 2011). Theo tính toàn ban đầu, dự kiến công trình có tổng kinh phí thực hiện trên 1.800 tỷ đồng.
Trước đó, ông Đồng Văn Khiêm, Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh thành phố cho biết: “Chúng tôi không phản đối việc xây cầu Thủ Thiêm 2, nhưng cần làm rõ về hiệu quả của cầu và trong điều kiện hiện nay thì có nên làm cầu hay chưa hay lại rơi vào tình trạng người xây cầu cứ xây, người làm đường cứ làm và khi có cầu rồi thì không có đường để kết nối như trường hợp cầu Gò Dưa, cầu Thủ Thiêm 1 hiện nay".
Đồng tình với ý kiến này, bà Lương Bạch Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, cho rằng cần xem xét mức độ ưu tiên trong xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 vì khu vực Thủ Thiêm còn rất vắng, ngay cả khi dự án cầu Thủ Thiêm 1 và cầu Phú Mỹ dù đã xây dựng xong nhưng vẫn chưa thể phát huy được hiệu quả.
Trong khi đó, cầu Thủ Thiêm 1 (nối quận 2 và quận Bình Thạnh) có vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng. Thông xe vào đầu năm 2010, đến nay, các nhánh cầu dẫn Thủ Thiêm và hầm chui nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (phía quận Bình Thạnh) đã bị xuống cấp trầm trọng.
Nhánh cầu dẫn N2 (từ đường Nguyễn Hữu Cảnh lên cầu chính) và nhánh N3 (từ cầu chính rẽ phải vào đường Nguyễn Hữu Cảnh về cầu Sài Gòn) mặt đường xuất hiện vết nứt ngang dài hơn 10m, rộng 2-3cm.
Chân nhánh cầu dẫn N1 (từ cầu chính rẽ trái vào đường Nguyễn Hữu Cảnh về Tôn Đức Thắng) xuất hiện lún cục bộ, hai bên thành cầu bị nứt kéo dài khoảng 20m.
Bộ trưởng truy trách nhiệm, lún nứt đúng quy trình? Ngày 13/6, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4) đã tổ chức hội thảo nhằm "giải mã" hiện tượng vệt hằn bánh tại các dự án công trình giao thông đang làm đau đầu các nhà quản lý. Tại Hội thảo, Bộ trưởng Thăng rất băn khoăn, tại sao các chủ đầu tư báo cáo đều đúng quy trình mà chất lượng công trình vẫn đang ngày càng xuống cấp. Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh: “Ai nói cũng đúng, chỉ mỗi con đường sai, chất lượng kém, rồi đổi tại cho thời tiết, khí hậu, quá tải. Điều này là không thể chấp nhận”. Không đồng tình với cách đặt vấn đề của một số chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan chức năng về việc tất cả đã làm đúng quy trình, quy phạm nhưng đường vẫn lún, Bộ trưởng chỉ đạo: “Tiêu chuẩn gì thì tiêu chuẩn, miễn là phải đảm bảo chất lượng tốt, đường không lún. Chủ trương của tôi là đường phải chất lượng tốt, tại sao nước ngoài làm được mà mình không làm được”. |