Trong lúc hàng chục hecta đất nông nghiệp được giao cho các đơn vị thực hiện dự án “treo”, thì người dân không có đất để sản xuất. Ảnh: Hưng Thơ
Khởi công rồi đi mất tăm
Năm 2007, tỉnh Quảng Trị giao 13,43ha đất dọc bờ biển Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) đến Cửa Việt (huyện Gio Linh) cho Cty CP dịch vụ và thương mại Cửa Tùng thực hiện dự án Khu dịch vụ du lịch Resort Cửa Tùng. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 268 tỉ đồng. Nhưng sau 8 năm, resort đâu chẳng thấy, chỉ có đất bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm. “Sau khi họ nhận được đất, không lâu sau đó DN tổ chức làm lễ khởi công rất lớn, có lãnh đạo tỉnh về dự, vỗ tay. Nhưng khởi công xong rồi đi mất tăm, chúng tôi đợi gần 10 năm rồi mà không thấy ai quay lại để làm rì sọt rì siếc chi hết” - anh Nguyễn Văn Tạo - trưởng thôn Thủy Bạn - cho hay.
Cạnh dự án resort này, tỉnh Quảng Trị cũng đã thu hồi 23,16ha đất để bàn giao cho Ngân hàng Công thương Việt Nam xây dựng khu nghỉ dưỡng vào năm 2010 ở thôn Thủy Bạn (xã Trung Giang, huyện Gio Linh), dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 472,434 tỉ đồng. Vào năm 2013, Ngân hàng Công thương đã lập hàng rào bao quanh. Người dân rất bất bình vì đường dân sinh cũng như lối vào nghĩa địa Cá Ông của làng bị bịt. Bên cạnh đó, dù không có trong quy hoạch nhưng chủ đầu tư đã bao quây lại diện tích bờ biển, chặn địa điểm ra vào của tàu thuyền cũng như địa điểm tập kết ngư lưới cụ, bãi cá của ngư dân tại địa phương. Đến khi người dân phản ánh ý kiến lên các cấp, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Trị cũng có ý kiến với chủ đầu tư điều chỉnh lại hàng rào chắn, thì một vài địa điểm mới được “mở” cửa.
Tuy nhiên, cũng như dự án resort “hàng xóm”, 5 năm trôi qua, khu nghỉ dưỡng này cũng dừng lại ở mức độ “đánh dấu chủ quyền” bằng cách bao quây phần đất được cấp, chứ chưa có động tĩnh gì về việc triển khai dự án hàng trăm tỉ đồng như dự kiến.
Không khả thi thì trả lại đất để dân làm ăn
Ông Trần Xuân Tưởng - Chủ tịch xã Trung Giàng - cho biết, trong số diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án, có 4-5ha đất rừng phòng hộ, còn lại chủ yếu là đất canh tác của người dân. Việc thu hồi đất khiến nhiều hộ không còn đất sản xuất, phải chuyển sang các nghề khác để kiếm sống.
Ông Tưởng kể rằng, lúc thu hồi mỗi mét đất chỉ được đền bù 12.000 đồng, nhưng người dân đều ủng hộ chủ trương. Người dân tin rằng, khi resort với khu nghỉ dưỡng xây dựng xong, khách du lịch đến đông thì họ sẽ có nhiều việc để làm. “Nhưng dự án cứ để đất không như vậy, không chịu xây dựng gì cả, người dân lại không có đất để sản xuất. Địa phương chúng tôi cũng bất lực vì các dự án này do tỉnh quản lý, chỉ biết truyền đạt ý kiến của người dân lên trên” - ông Tưởng thông tin.
Ông Nguyễn Quang Thêm - Bí thư chi bộ thôn Thủy Bạn - nói rằng, năm nào cử tri trong thôn cũng đặt câu hỏi về tính khả thi trong việc thực hiện dự án resort và khu nghỉ dưỡng. Hơn 1 năm trước, đoàn đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã giải đáp một số thắc mắc của người dân. Theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh Quảng Trị về việc rà soát các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh, thì dự án Khu dịch vụ du lịch resort Cửa Tùng chưa triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Vì vậy HĐND tỉnh sẽ xem xét kiến nghị thu hồi đất trả lại cho người dân sản xuất. Còn dự án Khu nghỉ dưỡng của Ngân hàng Công thương Việt Nam, HĐND tỉnh nhận thấy dự án đang được triển khai theo kế hoạch, nên không có ý kiến gì.
Thế nhưng, hơn 1 năm sau buổi tiếp xúc cử tri này, phần diện tích đất của dự án resort vẫn chưa được thu hồi, khu nghỉ dưỡng thì vẫn yên ắng, chưa có dấu hiệu thực hiện. Chúng tôi đã đi tìm câu hỏi, về việc hàng chục hecta đất bỏ không cho cỏ dại mọc lãng phí này, trong lúc đó người dân thèm thuồng đất để sản xuất, nhưng chưa nhận được câu trả lời từ phía cơ quan chức năng. Riêng chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng, đại diện chi nhánh Ngân hàng Công thương Việt Nam tỉnh Quảng Trị nói rằng, giám đốc chi nhánh vừa mới nhận chức, sẽ thông tin lại sau. Chúng tôi cũng đã cố gắng liên hệ trực tiếp với vị giám đốc này để tìm hiểu, nhưng chỉ nhận được sự im lặng.
-
Xâm Lấn thô bạo bờ biển miền Trung: Bờ biển đang bị tư nhân hoá
Trong khi “cơn giận của thuỷ thần” đang từng ngày nuốt dần bờ biển Cửa Đại, Hội An đang vô phương cứu chữa, thì tại Đà Nẵng, việc lấn biển thô bạo đã xảy ra cả vài chục cây số. Thậm chí, nhiều khu vực, các nhà đầu tư lấn chiếm, bịt kín các bãi biển công cộng thuộc loại đẹp nhất hành tinh này…