18/09/2015 11:06 AM
Trong khi “cơn giận của thuỷ thần” đang từng ngày nuốt dần bờ biển Cửa Đại, Hội An đang vô phương cứu chữa, thì tại Đà Nẵng, việc lấn biển thô bạo đã xảy ra cả vài chục cây số. Thậm chí, nhiều khu vực, các nhà đầu tư lấn chiếm, bịt kín các bãi biển công cộng thuộc loại đẹp nhất hành tinh này…

KS Holyday Beach Đà Nẵng đang biến bãi biển công cộng thành của riêng mình.

Chiến thuật lấn chiếm “mềm”

Dọc dài suốt hơn 30km từ Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đi Hội An, Quảng Nam gần như đã ken kín các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Quy hoạch này đã hoàn tất từ 5 - 10 năm trước. Đến nay, một số dự án hình thành, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp cho thiểu số những người có tiền. Lợi ích của du khách thu nhập thấp và đại đa số người dân bản địa - chủ sở hữu thật sự ở mảnh đất có nhiều đặc ân của tự nhiên đang bị bỏ quên. Phần lớn các dự án ven 30km bờ biển chỉ “xí phần”, chiếm đất chờ cơ hội, nhưng cả triệu dân TP và hàng vạn du khách mỗi ngày phải chen nhau trong những bãi tắm biển chưa đầy 8km. Bất cập từ việc quy hoạch kém, thiếu tầm nhìn đã mâu thuẫn với nhu cầu thực tại. Thậm chí có thời điểm UBND TP. Đà Nẵng đã phải họp, thương lượng, “xin” lại một ít đất bờ biển để làm bãi tắm công cộng cho dân ở Sơn Trà. Nhưng bất thành.

Đáng nói, thực trạng bãi biển công cộng đang càng ngày khan hiếm, quá tải, thì các ngành du lịch, xây dựng ở TP. Đà Nẵng lại tiếp tay cho các DN tiếp tục “lấn mềm” bờ biển. Bước đầu là hợp đồng thuê làm dịch vụ giải trí, thể thao, văn hoá, ẩm thực… nhưng dần dần, các DN này “cứng hoá” bằng việc lấn chiếm, xây rào cấm biển. Thậm chí nhiều DN đã xây resort, khách sạn trái phép một cách công khai.

Có thể điểm mặt 2 địa chỉ đang lấn biển công khai là DaNabeach của Cty CP Quê Việt, trên đường Võ Nguyên Giáp và KS Temple, đường Hoàng Sa, của Cty CP thương mại và dịch vụ San Hô. Theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP. Đà Nẵng cấp, cả 2 dự án đầu tư của các DN này đều là khu du lịch thể thao giải trí biển. Dự án không bao gồm hạng mục công trình khách sạn, resort, không được làm nơi lưu trú. Nhưng 2 đơn vị này đã xây resort, cho thuê phòng lưu trú với tiêu chuẩn cao cấp.

Hai lần tuyên bố thu hồi: Các dự án chiếm đất ven biển chưa bị xử lý

Trước sức ép của dư luận, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Trần Thọ đã ít nhất 2 lần tuyên bố kiên quyết thu hồi các dự án trây ỳ, có biểu hiện xí phần chiếm đất ven biển. Tuy nhiên, sự “kiên quyết” ấy mới ở cấp vĩ mô, và cũng chỉ xảy ra trên diễn đàn kỳ họp HĐND. Thực tế chưa có dự án nào bị thu hồi. Mới đây, ngành TNMT có cuộc rà soát các dự án ven biển, phát hiện 2 khu giải trí thể thao biển là DaNabeach và Temple đã biến thành KS, resort, tiếp nhận khách lưu trú trái phép. Hiện trên website của 2 đơn vị này vẫn công nhiên đăng quảng cáo hình ảnh, giới thiệu dịch vụ lưu trú. Ngoài ra, Đà Nẵng đang cho KS Holyday beach thuê bãi biển công cộng, và DN này đang xây dựng, bố trí quầy bar, bàn ghế, lấn chiếm dần bãi biển công cộng theo hình thức “chiếm mềm”. Đây là động thái lấn bãi biển giống cách làm của Danabeach trước đó.

Việc biến một bờ biển công cộng, chỉ được chính quyền cho thuê để làm dịch vụ giải trí, thể thao biển thành khách sạn, resort của các đơn vị này minh chứng rõ hành vi tiếp tay, dung túng của ngành xây dựng, quản lý đô thị ở Đà Nẵng. Nghiêm trọng hơn, việc xây dựng trái phép, hoạt động trái phép, không tuân theo quy hoạch này lại được Sở VHTTDL TP. Đà Nẵng tiếp tay trắng trợn bằng cách gắn sao, “công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn” cho khách sạn Temple.

Sự việc bị vỡ lở, Phó GĐ Sở VHTTDL Đà Nẵng Trần Chí Cường mới vội vã ra quyết định… thu hồi. Trước đó, sở này cũng đã yêu cầu khu dịch vụ giải trí thể thao biển - Dana Beach dừng các hoạt động kinh doanh khách sạn, cơ sở lưu trú trái phép. Lý do là kinh doanh dịch vụ lưu trú sai mục đích, hạng mục do UBND TP cấp phép. Thế nhưng các DN này bất tuân. Hiện vẫn ngang nhiên hoạt động. Quy trình cấp giấy chứng nhận hạng sao cho các cơ sở lưu trú, ngành du lịch phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt. Việc cấp “sao” thứ hạng cho cơ sở lưu trú xây dựng, hoạt động trái phép này không thể là sự nhầm lẫn, do quản lý lỏng lẻo, mà rõ ràng là có sự dung túng, tiếp tay, thậm chí là tiêu cực. Đây là lý do mà ông Trần Chí Cường - Phó GĐ Sở VHTTDL TP.Đà Nẵng nhiều lần khất hẹn, để rồi từ chối trả lời báo chí.

Nhóm PV (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.