23/11/2012 7:44 AM
Nhiều năm nay, tình trạng sử dụng tầng 1 các khu nhà tái định cư diễn ra khá lộn xộn. Thay vì bố trí các dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân, nhiều diện tích được cho thuê làm dịch vụ không phù hợp như bia hơi, cầm đồ, cắt tóc – gội đầu thư giãn... Sự lộn xộn này sẽ chấm dứt sau khi TP yêu cầu đấu giá công khai việc cho thuê các diện tích này.

Tầng 1 các khu tái định cư thừa hàng quán, thiếu không gian công cộng

Thiếu lớp học, thừa quán xá

Khu tái định cư (TĐC) 5,3ha Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) có 13 tòa nhà với tổng số 1.031 hộ dân (khoảng gần 4.500 nhân khẩu) song cả khu hiện chỉ có 1 nhà trẻ rộng 2.700m2, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 500 cháu. Địa điểm sinh hoạt cộng đồng cho khu dân cư cũng rất thiếu trong khi tầng 1 của nhiều tòa nhà lại được đơn vị quản lý cho tư nhân thuê làm quán cà phê, cắt tóc gội đầu, nhà hàng… gây bức xúc trong dân... Ông Nguyễn Đình Trường, công dân khu 5,3ha than thở: “Nhiều hàng quán bán hàng muộn, gây mất trật tự, ô nhiễm môi trường... khiến bà con rất bức xúc...”.

Thực tế nói trên không chỉ ở khu 5,3ha Dịch Vọng mà còn diễn ra tại nhiều dự án TĐC khác trên địa bàn TP. Nhiều nơi rất thiếu không gian công cộng, khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng… Ngay cả các cơ quan hành chính của TP cũng không ngừng than thiếu nơi bố trí trụ sở làm việc. Trong khi đó, tầng 1 các khu tái định cư lại thừa chỗ cho thuê bán bia hơi, cắt tóc thư giãn... Dạo một vòng qua các khu TĐC lớn khác của thành phố như khu Trung Hòa – Nhân Chính, Đền Lừ, Nam Trung Yên... người ta có thể bắt gặp cảnh hàng quán giăng khắp phía dưới các tòa nhà TĐC. Chen lẫn giữa những quán bia hơi, lẩu, cà phê, vịt nướng... lấp ló một vài phòng khám, siêu thị mini nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Người dân không chỉ khó chịu vì các loại dịch vụ chiếm hết tầng 1 mà còn bức xúc vì sự thiếu minh bạch, tù mù trong thu – chi, quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc cho thuê. Nhiều người dân không ngại đặt ra vấn đề đơn vị quản lý có thể “bắt tay” với đơn vị thuê nhà, cho thuê diện tích nhà của Nhà nước với giá rẻ mạt để cùng nhau ăn chia khoản chênh lệch. Trong khi, đáng ra, toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động thuê nhà sau khi trừ chi phí phải được đưa ra công khai và phục vụ cho hoạt động của chính tòa nhà đó.

Ngăn chặn nạn “đi đêm”

Để chấn chỉnh lại hiện trạng này, mới đây, TP Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng việc xem xét, đề xuất giải quyết cho các đơn vị (trừ các đơn vị hành chính, sự nghiệp và các trường hợp tạm cư phục vụ GPMB) thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư và nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Đồng thời, TP chỉ đạo Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan phải rà soát lại toàn bộ tầng 1 của các khu TĐC để bố trí ngay các dịch vụ phục vụ đời sống người dân. TP cũng khẳng định, kinh phí từ cho thuê phải phục vụ cho chính công tác quản lý, duy tu tòa nhà.

Tiến thêm một bước nữa trong việc siết lại hoạt động quản lý tầng 1, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, ngày 20-11, TP đã ban hành Quy chế đấu giá thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư TĐC và nhà ở xã hội, được đầu tư xây dựng từ nguồn vồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội. Quy định mới này được xem là chốt chặn quan trọng, ngăn ngừa tình trạng “đi đêm” giữa cơ quan quản lý với đơn vị thuê nhà để “ăn” chênh lệch tiền thuê nhà của Nhà nước.

Theo quy định mới, bắt đầu từ 1-12-2012, phần diện tích còn lại của các tòa nhà TĐC, nhà ở xã hội (sau khi trừ đi các diện tích phục vụ cộng đồng dân cư) sẽ phải đem ra đấu giá. Như mọi loại hình đấu giá khác, người trả giá thuê cao nhất sẽ được thuê diện tích đó để kinh doanh. Thời hạn cho thuê không quá 5 năm (với trường hợp trả tiền thuê hàng năm) và không quá 10 năm (với trường hợp trả tiền thuê 1 lần). Trường hợp phát hiện phiên đấu giá có hiện tượng “thông thầu”, gây thiệt hại cho Nhà nước, Hội đồng đấu giá phải lập biên bản hủy ngay phiên đấu giá. Các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ không được phép tham gia khi phiên đấu giá được tổ chức lại... Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên thực tế, không thể loại trừ hết khả năng thông đồng khi đấu giá diện tích cho thuê. Do đó, mỗi phiên đấu giá cần có sự tham gia giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng và đặc biệt là cộng đồng dân cư của tòa nhà, nhằm đảm bảo cho các phiên đấu giá diễn ra công khai, minh bạch và hiệu quả nhất.

Theo Chính Trung (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.