24/02/2020 8:08 PM
Đầu năm 2019, 4 hộ dân thôn Hạ, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng đã gửi đơn đề nghị UBND xã làm rõ việc hơn 500m2 đất nông nghiệp của các gia đình ở khu hồ Gốc Vối bị chiếm dụng làm nhà xưởng. Tuy nhiên, đến nay chính quyền địa phương vẫn lúng túng trong việc xác minh.

Do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý nên khu đất nông nghiệp hồ Gốc Vối, thôn Hạ đã bị người dân xây dựng nhà xưởng trái phép. Ảnh: Công Tâm

Theo thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã về thực địa tại hồ Gốc Vối, thôn Hạ, nằm liền kề khu vực cơ đê Hữu Hồng và đường đê 142. Qua đó nhận thấy, toàn bộ nơi đây đều đã được người dân dựng nhà xưởng bằng khung sắt, mái tôn làm nơi sản xuất đồ gỗ. Hệ thống mạng lưới cột và dây điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng bị nhà xưởng “vây kín”. Thậm chí, tại đây có nhiều gia đình đã xây xong nhà ở kiên cố và hiện còn một số hộ đang dựng nhà xưởng dở dang phải dừng lại chờ giải quyết.

Ông Nguyễn Hữu Tân, thôn Hạ, xã Liên Trung cho biết: "Do những năm 2000 UBND xã buông lỏng quản lý, khiến người dân có cơ hội vi phạm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Không chỉ có khu đất hơn 500m2 ở hồ Gốc Vối của gia đình tôi và một số hộ dân bị chiếm dụng làm nhà xưởng mà ở nhiều thửa đất khác cũng bị chiếm dụng. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND xã làm rõ hành vi vi phạm chiếm dụng đất của người khác nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết nên chúng tôi mới gửi đơn vượt cấp".

Liên Trung là một trong những xã làng nghề chuyên sản xuất đồ gỗ. Địa phương đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) quy hoạch, xây dựng một số vị trí, điểm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất ngày một tăng khiến công tác quy hoạch, xây dựng không theo kịp nên đã xảy ra việc hàng loạt trường hợp tự ý xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp. Cũng tại thời điểm này, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất sản xuất, UBND xã còn ký hợp đồng cho thuê đất công “bừa bãi” ở nhiều vị trí để người dân dựng nhà xưởng. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã có gần 30 nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, cơ đê sông Hồng đã bị UBND huyện tháo dỡ.

Chủ tịch UBND xã Liên Trung Hoàng Văn Hanh thừa nhận: Chính quyền địa phương chậm trễ vào cuộc giải quyết kiến nghị của người dân là đúng. Sau khi UBND huyện Đan Phượng chỉ đạo làm rõ sự việc, cuối năm 2019 UBND xã đã có buổi làm việc với một số cán bộ thôn, xã ở các nhiệm kỳ trước và 4 hộ dân có đơn kiến nghị. Tuy nhiên, người dân cũng chưa đưa ra được giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất của mình được giao sản xuất trước đó. Mặt khác, do UBND xã cũng không có tài liệu, bản đồ, sổ mục kê lưu giữ để xác định hơn 500m2 đất hồ Gốc Vối là của cá nhân nào nên việc giải quyết đang gặp khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng khẳng định: Ngày 5/11/2019, UBND huyện có văn bản số 1618/UBND-VP yêu cầu UBND xã Liên Trung tập trung giải quyết đơn của bốn hộ dân thôn Hạ, báo cáo UBND huyện trước ngày 25/12/2019. Tuy nhiên, đến nay UBND xã chưa báo cáo huyện kết quả giải quyết vụ việc. Thời gian tới, nếu UBND xã Liên Trung ban hành kết luận vụ việc mà các hộ dân không đồng ý và tiếp tục có đơn kiến nghị, UBND huyện sẽ vào cuộc. Nếu phát hiện UBND xã có dấu hiệu tắc trách, khi đó UBND huyện sẽ kiểm điểm, kỷ luật cán bộ liên quan do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai.

Công Tâm (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.