Công nhân chuẩn bị các tấm bóng cao su tại một cơ sở sản xuất ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Bloomberg
Dữ liệu từ S&P cho thấy hôm thứ Năm, chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất của S&P Global, hay PMI, đối với ASEAN đã tăng lên 50,3 trong tháng 1 từ mức 49,7 trong tháng 12, vượt qua mức trung lập 50 điểm ngăn cách giữa sự mở rộng và thu hẹp. Tăng trưởng sản lượng tăng tốc, tăng với tốc độ rõ rệt nhất kể từ tháng 8 năm ngoái khi các công ty giải quyết các đơn hàng tồn đọng.
Tuy nhiên, báo cáo của S&P Global lưu ý sự cải thiện chỉ ở mức độ nhẹ. Các số liệu cho thấy áp lực giá tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng, trong khi nhu cầu suy yếu vẫn gây áp lực lên số lượng đơn đặt hàng mới. Ngoài ra, tiền lương không thay đổi phản ánh sự do dự của các doanh nghiệp trong cam kết tuyển dụng mới.
Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Trong tương lai, các nhà sản xuất sẽ không thể duy trì tăng trưởng sản lượng trong bối cảnh nhu cầu thiếu hụt".
Bà cho rằng chỉ số PMI có thể giảm xuống dưới mốc 50 điểm nếu lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, báo hiệu nhiều trở ngại từ kinh tế toàn cầu và nhu cầu trì trệ từ các thị trường nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Aris Dacanay của HSBC nhìn nhận có sự khác biệt rõ ràng về triển vọng ngành sản xuất của các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu với các quốc gia phụ thuộc vào lĩnh vực khác.
“Các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại như Thái Lan và Malaysia tiếp tục chứng kiến chỉ số sản xuất giảm trong khi các nền kinh tế dựa vào tiêu dùng nhiều hơn như Indonesia và Philippines sẽ tiếp tục tăng trưởng”, ông nói.
Theo S&P Global, PMI sản xuất của Malaysia đã tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng trong tháng 1, nhưng vẫn nằm trong vùng suy giảm. Tương tự, PMI của Thái Lan cũng nằm dưới ngưỡng 50 điểm, với các chỉ số hướng tới tương lai bao gồm số lượng đơn đặt hàng mới và lượng công việc tồn đọng giảm mạnh.
PMI của Việt Nam tăng trở lại ngưỡng trên 50 điểm trong tháng 1 nhờ số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
Nhìn về tương lai, các nhà sản xuất ASEAN tiếp tục bày tỏ lạc quan khi đánh giá về triển vọng sản lượng trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, mức độ tâm lý lạc quan về tổng thể vẫn thấp hơn trung bình của lịch sử chỉ số này, mặc dù đã tăng so với tháng 12.
Jingyi Pan, Phó Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết tâm lý của các nhà sản xuất Thái Lan nhìn chung vẫn tích cực trong tháng 1. Các công ty nhìn chung lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới và niềm tin kinh doanh được cải thiện.
Tại Việt Nam, các công ty được khảo sát bày tỏ lo ngại về điều kiện kinh tế nhưng cũng hy vọng nhu cầu và số lượng khách hàng sẽ được cải thiện, cùng với việc ra mắt các sản phẩm mới theo kế hoạch, tạo nên tâm lý lạc quan nói chung. Trong khi đó, các nhà sản xuất Malaysia lạc quan rằng nhu cầu sẽ tăng vào năm 2024.
Nhà kinh tế học Erica Tay của Maybank dẫn hàng loạt dữ liệu cho thấy sự phục hồi của ngành sản xuất ở ASEAN có cơ sở. Theo bà, có một luồng gió thuận lợi trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở khu vực này. Khi nhu cầu hàng hóa của các thị trường phát triển tăng lên, các nhà xuất khẩu ASEAN được hưởng lợi nhiều hơn trước.
-
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN
Hiện Canada là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD, thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện lên tầm cao mới.