“Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vẫn đang ngày càng tăng, đặc biệt là những thàng gần đây. Rủi ro thanh khoản trong hệ thống ngân hàng cũng là yếu tố rủi ro trong nền kinh tế, như: cho vay bất động sản... Vì thế, Việt Nam cần phải thay đổi và phải tái cơ cấu ngân hàng như một lĩnh vực ưu tiên cần tập trung xử lý”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định.

Mở đầu buổi họp báo chiều 30/11 về Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG) sẽ diễn ra vào ngày 6/12 tới đây, Giám đốc WB - Kwakwa nhấn mạnh rằng, Hội nghị CG năm nay sẽ đặc biệt hơn những năm trước bởi Việt Nam có Chính phủ mới, Quốc hội mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư mới...


Đề cập đến nội dung của Hội nghị CG, bà Kwakwa cho biết, vấn đề tái cơ cấu tài chính, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước sẽ là những đối thoại chính của CG.


“Lần này Hội nghị không chỉ bàn về tái cơ cấu mà còn dành nhiều thời gian để đi sâu và bàn một cách thật chi tiết tái cơ cấu như thế nào”, bà Kwakwa nói.


Bà Kwakwa cũng cho biết thêm, Hội nghị CG sắp tới sẽ có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Malaysia nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận các vấn đề trong tiến trình tái cơ cấu tài chính của Việt Nam.


Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi đặt ra đối với bà Giám đốc WB là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang ảm đạm bởi khủng hoảng và nợ công thì nguồn vốn ODA cho Việt Nam năm nay sẽ được các nhà tài trợ “tiên liệu” như thế nào? Sẽ có con số cụ thể?


Bà Kwakwa cho rằng, từ nay trở đi các hội nghị CG cần chuyển trọng tâm từ mục đích huy động nguồn lực về vốn sang việc đối thoại một cách thực chất hơn giữa các đối tác quốc tế và Chính phủ Việt Nam.


"Tài trợ quốc tế cũng không chỉ là việc cung cấp vốn viện trợ mà quan trọng hơn là chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nguồn lực con người... để giúp Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh đã trở thành một nước thu nhập trung bình. Hơn nữa, Việt Nam không phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ quốc tế mà có khả năng cố gắng tự đảm bảo nguồn lực tài chính cho mình. Do vậy, cam kết tài trợ không còn là mối quan tâm hàng đầu hay là mục đích quan trọng nhất của CG lần này và trong tương lai ”, Bà Kwakwa nhấn mạnh.


Trả lời câu hỏi về việc Vinashin bị thúc nợ trong thời điểm hiện nay liệu có ảnh hưởng tới tài trợ của World Bank với Việt Nam thời gian tới hay không, b à Kwak kwa cho rằng, con số tài trợ ODA cho Việt Nam năm nay sẽ không bị sự việc Vinashin ảnh hưởng.

“Chúng tôi không có liên hệ gì với Vinashin. Chúng tôi không cho Vinashin vay và chúng tôi không cho rằng trường hợp của Vinashin sẽ ảnh hưởng cụ thể đến những hoạt động của chúng tôi ở Việt Nam.Tất nhiên, chúng tôi có quan ngại. Bởi chúng tôi thấy đây là một lĩnh vực rủi ro của nền kinh tế. Nhưng hiện chúng tôi cũng đã và đang sát cánh với Chính phủ, hỗ trợ Chính phủ, xem có cách nào tốt nhất để giúp Việt Nam giải quyết được những vấn đề này. Nói như vậy không có nghĩa là nguồn vay của WB dành cho Việt Nam sẽ bị giảm đi kể cả khi những mối quan ngại đó”, bà Kwak kwa khẳng định./.

Theo Quỳnh Anh (Tổ Quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.