Tại hội nghị "Đô thị Việt Nam thân thiện môi trường - phát triển bền vững", WB đã công bố kết quả đánh giá tình hình đô thị hoá của Việt Nam vừa được nghiên cứu năm 2011.
Ông Dean Cira, Chuyên gia trưởng -
Điều phối viên Ban đô thị của WB tại Việt Nam nói: “Đây là sự chênh
lệch lớn bất thường và chỉ khoảng 5% dân số Hà Nội có đủ khả năng mua
bất động sản với mức giá bị thổi phồng như vậy”.
Ông Dean Cira cho rằng, giá đất bất hợp lý đã góp phần vào sự mở rộng lộn xộn nhanh chóng của đô thị. Kết quả đánh giá của WB cho thấy, có sự chênh lệch lớn giữa “giá đất do Chính phủ quy định” và “giá thị trường” (thường cao gấp hơn 10 lần “giá nhà nước”). Đây là một nguyên nhân của những méo mó và các “nút cổ chai” trên thị trường đất đai. Hệ thống hai giá này chuyển giá trị và lợi ích khổng lồ cho các nhà phát triển bất động sản (thường là doanh nghiệp nhà nước), các nhà đầu tư, và các nhà đầu cơ, trong khi thiệt hại dành cho những người sở hữu đất đai ban đầu.
Báo
cáo của WB cũng chỉ ra rằng, việc phân bổ đất đai, hợp đồng liên danh,
thuế, nhượng quyền, và giấy phép cho những nhà phát triển và nhà đầu tư
thường dựa trên giá trị đất đã bị cố ý làm giảm đi, khiến Chính phủ hiện
đang từ bỏ đáng kể việc tạo ra lợi ích công do định giá thấp một trong
những tài sản có giá trị nhất của mình.
Theo khảo sát của WB, giá bất động sản ở Hà Nội và TP Hồ Chính Minh cao hơn nhiều so với những thành phố tương đương ở châu Á. Cụ thể, đất nền thể hiện mức giá cao hơn gần 1.000 lần mức tiền thuê nhà hàng tháng ở cùng địa điểm đó. Nói cách khác, đất nền được định giá ở mức tương đương tiền thuê khoảng 80 năm.
Ông Dean Cira nói: “Đây là chênh lệch lớn bất thường, và gợi ý rằng, giá đất nền phản ánh kỳ vọng cao về việc giá thuê hoặc giá trị bán lại sẽ tăng lên trong tương lai để bù đắp cho khoản đầu tư ban đầu cao. Những số liệu này gợi ý rằng, có lẽ chỉ 5% dân số Hà Nội có đủ khả năng mua bất động sản với mức giá bị thổi phồng như vậy”.