Một dự án quy mô lớn tại vùng Đông Quảng Nam. Ảnh: Lưu Bang
Sự trỗi dậy của vùng Đông Quảng Nam
Tỉnh ủy Quảng Nam vừa có báo cáo số 348-BC/TU về sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Trong báo cáo, Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết trong 5 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh Covid-19, đến nay các lĩnh vực kinh tế đã dần phục hồi và phát triển. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng từ 60.778 tỷ đồng vào năm 2019 lên 69.110 tỷ đồng vào năm 2022; GRDP bình quân đầu người tăng từ 66,3 triệu đồng từ năm 2019 lên 76,6 triệu đồng 2 năm 2022.
Kinh tế biển chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch biển trên cơ sở bảo tồn, phát huy tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa vùng biển, đảo gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Hiện nay, tỉnh có 12/14 Khu công nghiệp đã có quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền, đang triển khai thực hiện đầu tư tại các địa phương ven biển với tổng diện tích quy hoạch hơn 3.300 ha, tỷ lệ lấp đầy 53%. Cụ thể, có 234 dự án thứ cấp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/chấp thuận đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 77.571 tỷ đồng (tương đương 3,75 tỷ USD).
Đồng thời, tại khu vực này còn có 34/58 CCN với tổng diện tích hơn 1.075 ha, tỷ lệ lấp đầy từ 50 - 100%.
Chỉ tính riêng trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai, đến cuối năm 2022 có 11 KCN, 167 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 68.800 tỷ đồng; 121 dự án đi vào hoạt động và tạo việc làm cho khoảng 32.000 lao động.
Đến nay, có 5/7 nhóm dự án trọng điểm tại vùng Đông Nam của tỉnh đang triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.
Năm nhóm dự án trọng điểm nói trên gồm: Nhóm dự án khu đô thị, dịch vụ Nam Hội An; nhóm dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ; nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; nhóm dự án nông nghiệp công nghệ cao; nhóm dịch vụ hậu cần cảng và logistics gắn với cảng biển Chu Lai.
Tại khu vực này còn có 2/7 nhóm dự án đang xúc tiến đầu tư và lập thủ tục chuẩn bị đầu tư. Hai nhóm dự án nói trên gồm, nhóm dự án khí - điện và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí; nhóm dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai.
Cũng tại vùng Đông Quảng Nam hiện có các dự án du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng như: Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD; Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng đã hoàn thành, đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động địa phương và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Nhiều dự án khu du lịch, dịch vụ đã và đang tiếp tục đầu tư khu vực ven biển Điện Bàn, Hội An; chuỗi các đô thị tại khu vực ven biển được quan tâm đầu tư đồng bộ; các đô thị tại Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn... được quy hoạch, mở rộng.
Cảng hàng không Chu Lai sẽ được nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế. Ảnh: Lưu Bang
Cơ hội phát triển mới
Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch gắn với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
Quảng Nam sẽ hoàn thiện và triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập và triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai, các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện; quy hoạch sử dụng không gian biển gắn với mục tiêu quản lý liên kết vùng, giữa các địa phương có biển và không có biển, giữa Quảng Nam với các tỉnh, thành lân cận tạo đòn bẩy mới cho khu vực ven biển phát triển bền vững và lan tỏa.
Tỉnh cũng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam hoàn chỉnh Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Cảng hàng không Chu Lai và lựa chọn nhà đầu tư theo hướng xã hội hóa đầu tư phát triển khu vực sân bay Chu Lai thành Trung tâm công nghiệp - thương mại - dịch vụ hàng không quốc tế.
Quảng Nam cũng quy hoạch, đầu tư phát triển các đô thị theo định hướng khu đô thị ven biển hiện đại; xây dựng, phát triển thành phố Tam Kỳ là thành phố động lực; xây dựng, phát triển thành phố Hội An theo định hướng sinh thái - văn hóa - du lịch; phát triển thị xã Điện Bàn trở thành đô thị loại III; hình thành đô thị mới Duy Hải - Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Minh, Bình Hải (Thăng Bình) là đô thị loại V, kết nối hình thành chuỗi đô thị Nam Hội An đạt tiêu chí đô thị loại IV theo định hướng đô thị du lịch, dịch vụ cấp vùng.
Riêng về Cảng hàng không Chu Lai, ngày 7/6 mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế. Đây được xem là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam nói chung và khu vực vùng Đông của tỉnh nói riêng.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch với quy mô, cấp sân bay 4F, công suất thiết kế dự kiến 10 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch với diện tích 2.006,56 ha, với ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 15.968 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch với quy mô, cấp sân bay 4F, công suất thiết kế dự kiến 30 triệu hành khách/năm. Cũng trong giai đoạn này, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được quy hoạch với diện tích 2.006,56 ha, với ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 37.950 tỷ đồng.
-
Quảng Nam muốn tuyến Metro đầu tiên ở miền Trung đi qua các địa phương nào?
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thống nhất với Sở Giao thông vận tải tỉnh này về đề xuất quy hoạch hướng tuyến đường sắt đô thị kết nối Cảng Hàng không Chu Lai với cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng.
-
“Giải vây” cho thị trường bất động sản
Nhiều kiến nghị đã được các chuyên gia đưa ra, hướng đến việc tháo gỡ những điểm nghẽn, giải vây cho thị trường bất động sản thời gian tới.
-
Thủ tục hành chính đất đai sẽ được thực hiện như thế nào khi thu hồi sổ hộ khẩu?
Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 1.1.2023 sẽ không còn sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Việc thực hiện các thủ tục hành chính đất đai sau khi thu hồi sổ hộ khẩu là vấn đề được nhiều người quan tâm....
-
Bất động sản châu Á có thể là điểm sáng trên toàn cầu trong năm 2023
Theo công ty dữ liệu bất động sản Knight Frank, dù vẫn đối mặt với một số thách thức, song khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể vẫn là một trong những “điểm sáng” của nền kinh tế thế giới trong năm 2023....