17/12/2012 3:52 PM
Như đã đề cập ở số báo trước, hướng đến việc giải cứu thị trường bất động sản ngoài việc tín dụng được cởi trói, giải pháp tài chính cũng được tính đến khi cho phép các dự án bất động sản được chậm nộp tiền sử dụng đất trong điều kiện thị trường khó khăn hiện nay.

Tiền sử dụng đất đang là nỗi lo lớn của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản

Tiền sử dụng đất luôn được các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS đưa ra như một lý do gây nhiều khó khăn trong việc triển khai đầu tư xây dựng dự án trong nhiều năm qua. Nhưng số tiền sử dụng đất Nhà nước thu được từ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS là không lớn. Theo thống kê của Bộ Tài chính, toàn bộ số thu từ đất đai trong năm 2012 của các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước ước chỉ là 42.000 tỷ đồng; trong khi các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS lớn hầu hết đều là những “con nợ” khủng.

Theo Cục Thuế Hà Nội, tính đến hết tháng 3/2012, nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS trên địa bàn Thành phố nợ tiền sử dụng đất, với tổng số tiền hàng ngàn tỷ đồng, trong đó có nhiều doanh nghiệp có những dự án gây “sốt” trên thị trường suốt một thời gian dài, như Công ty TNHH Khu đô thị Nam Thăng Long (chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ); Công ty TNHH Berjaya – Handico 12 (chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Thạch Bàn, quận Long Biên); Công ty cổ phần Thương mại Hưng Việt (chủ đầu tư Dự án Golden Land, quận Thanh Xuân); Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Đại Mỗ (chủ đầu tư Dự án Tổ hợp nhà Đại Mỗ, huyện Từ Liêm), Công ty Vietracimex (chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức); Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội (chủ đầu tư Dự án Nhà ở kinh doanh số 26- Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân)…

Báo cáo của Cục Thuế TP. Hải Phòng cũng phản ánh tình trạng tương tự với con số 25 dự án BĐS trên địa bàn Thành phố nợ hơn 516 tỷ đồng tiền sử dụng đất tính đến tháng 11/2012. Nhiều đơn vị nợ tiền sử dụng đất với số lượng tiền lớn, như Công ty cổ phần Bạch Đằng 5 (nợ 44,6 tỷ đồng), Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng (nợ hơn 40 tỷ đồng), Công ty cổ phần Xây dựng số 15 (nợ 33 tỷ đồng), Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển hạ tầng Hà Nội (nợ 13,7 tỷ đồng). Theo đại diện Cục Thuế TP. Hải Phòng, nguyên nhân gây nợ đọng tiền sử dụng đất, là do thị trường BĐS trầm lắng, kinh tế khủng hoảng, tín dụng khó khăn...

Tại TP.HCM, đến tháng 12/2012, tình trạng nợ tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng diễn ra tương tự.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS, ngày 23/5/2012, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 83/2012/ TT - BTC bổ sung đối tượng được giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 (theo Quyết định số 2093/QĐ – TTg ngày 23/11/2011 và Nghị quyết số 13/NQ – CP ngày 10/5/2012). Theo đó, ngoài các đối tượng là các tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng được giảm 50% tiền thuê đất trong các năm 2011 và 2012. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực BĐS còn được gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2011 mà doanh nghiệp chưa nộp ngân sách, tính từ thời điểm 23/5/2012. Nghị Quyết 13/NQ – CP (ngày 10/5/2012) cũng cho phép các tỉnh, thành phố gia hạn 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. Nhưng trái ngược với kiến nghị “giải cứu”, thực tế diễn biến năm 2012 cho thấy xu hướng đáng buồn là doanh nghiệp càng nhận được nhiều ưu đãi, thị trường địa ốc lại càng xuống dốc.

Lý giải về nghịch lý này, ông Trần Tú Cường, Trưởng ban Chính sách đất đai và BĐS, Viện Chiến lược – Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, lợi nhuận khổng lồ từ chênh lệch giá đất giữa giá Nhà nước quy định dùng để đền bù và giá thị trường đã thu hút một khối lượng vốn đầu tư khổng lồ vào “bãi lầy” BĐS thông qua sự tiếp tay của hệ thống tín dụng, tiền tệ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân tạo ra thực trạng thị trường BĐS hiện nay. Một loạt các chính sách của Nhà nước nhằm giải cứu thị trường đã và đang triển khai tỏ ra “mất thiêng”, do thực lực của nền kinh tế quá yếu, cộng với niềm tin của đại bộ phận dân cư vào sản phẩm hàng hoá BĐS trên thị trường đang rất thấp. Chỉ khi nào mức chênh lệch giữa giá đền bù do Nhà nước quy định và giá thị trường được giải quyết, niềm tin của người dân được khôi phục, thị trường BĐS mới có cơ hội thoát khỏi “vũng lầy” khủng hoảng.

  • Kích hoạt đầu tư nhà ở xã hội

    Kích hoạt đầu tư nhà ở xã hội

    Theo thông tin mới nhất tại dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trình Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều nội dung với mục đích tạo bước ngoặt cho nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, công nhân lao động, người khó khăn về nhà ở có thể tiếp cận được nhà ở. <br/br>

  • Vốn ngoại thoái lui: Hết tiền hay cạn niềm tin?

    Vốn ngoại thoái lui: Hết tiền hay cạn niềm tin?

    Các DN ngoại thoái vốn, dừng đầu tư vào BĐS trong bối cảnh thị trường khó khăn kéo dài là điều bình thường. Tuy nhiên, rút lui và không có lời hứa đầu tư mới lại cho thấy những điểm bất thường. <br/br>

  • Thị trường cao ốc văn phòng TPHCM: Bối cảnh khó khăn, vẫn… “sống khỏe”!

    Thị trường cao ốc văn phòng TPHCM: Bối cảnh khó khăn, vẫn… “sống khỏe”!

    Bất động sản dường như… “hóa đá”; nhưng có điều rất lạ, gần suốt năm 2012, thị trường cao ốc cho thuê văn phòng ở TPHCM vẫn… rỉ rả, cho thuê đều đều, với tỉ lệ lấp đầy không hết 100%; song, các chủ đầu tư trong thị trường này vẫn… “sống khỏe”. <br/br>

Theo Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.