Tái khởi động lại mảng bất động sản
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) của Chủ tịch Trần Đình Long được xem như một "ông vua tiền mặt" trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nhờ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ.
Mặc dù đang là “vua” trong lĩnh vực sản xuất thép ở Việt Nam, nhưng ông Trần Đình Long vẫn bày tỏ mong muốn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và còn đặt mục tiêu trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đặt mục tiêu trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2022, ông Trần Đình Long, cho biết định hướng thay vì mua đất để làm dự án thì sẽ tham gia đấu thầu ở các địa phương. Đúng định hướng này, thời gian qua, Hòa Phát có đề xuất đầu tư, tài trợ quy hoạch các dự án diện tích hàng trăm hécta ở nhiều tỉnh, thành như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Hải Dương, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế và Đắc Nông.
Mới đây, Hòa Phát đã có những bước tái khởi động lại các dự án bất động sản nhà ở với việc trúng thầu hai dự án đô thị tại Hưng Yên và Phú Thọ với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỉ đồng.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ, chỉ duy nhất Liên danh Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa - Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát đăng ký và đạt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá, huyện Lâm Thao.
Được biết, Dự án khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 8/2022, với quy mô diện tích lên đến 120ha. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 5.622 tỉ đồng, trong đó chi phí thực hiện khoảng 5.284 tỉ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 338 tỉ đồng.
Dự án này bao gồm các công trình nhà ở liền kề, biệt thự, công trình hỗn hợp, công trình dịch vụ công cộng, công viên cây xanh – mặt nước, cây xanh – thể dục thể thao, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Với việc là nhà đầu tư duy nhất đăng ký và đạt yêu cầu sơ bộ thì Liên danh Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa - Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát đang "rộng cửa" để được tỉnh Phú Thọ chính thức lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cũng công bố nhà đầu tư duy nhất đạt yêu cầu sơ bộ về đánh giá năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Khu công nghiệp Yên Mỹ II trên địa bàn xã Trung Hòa và thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) là CTCP Phát triển Đô thị Hòa Phát Yên Mỹ. Đây cũng là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 4.830 tỉ đồng. Dự án có quy mô sử dụng đất của dự án khoảng 309,978m2; quy mô dân số khoảng 11,500 người. Sản phẩm dịch vụ cung cấp gồm Nhà ở thương mại liền kề 250 căn; căn hộ, nhà ở xã hội 9,000 căn và các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của khu dân cư.
Được biết, CTCP Phát triển Đô thị Hòa Phát Yên Mỹ thành lập vào ngày 9.5.2022 với vốn điều lệ 750 tỉ đồng. Trong đó, cổ đông sáng lập lớn nhất nắm 99,9% vốn là CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát - công ty con do Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 99,97% vốn điều lệ.
Dồn dập săn quỹ đất
Thời gian qua, Hòa Phát đang rốt ráo đi tỉnh "tìm đất" cho tham vọng bất động sản. Sau Cần Thơ, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Hải Dương, ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long tìm đến Thừa Thiên Huế và mới nhất là Phú Yên.
Cụ thể, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên vào ngày 17.6.2022, Tập đoàn Hòa Phát đã bày tỏ mong muốn đầu tư dự án cảng biển Bãi Gốc và dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm, với tổng mức đầu tư khoảng 120.000 tỉ đồng. Tổ hợp dự án nói trên dự kiến được thực hiện trong vòng 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng.
Không riêng Phú Yên, trước đó Hòa Phát cũng liên tục đề xuất đầu tư tại nhiều địa phương, như Quảng Trị với dự án phát triển cảng biển, cảng nước sâu và xây dựng nhà máy thép tại Khu kinh tế Đông Nam; tỉnh Thừa Thiên - Huế với dự án khu đô thị; đề xuất xây dựng cụm dự án Alumin công suất 2 triệu tấn/năm và nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm tại tỉnh Đắk Nông…
Hòa Phát gần đây đã có những bước tái khởi động lại các dự án bất động sản nhà ở
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm ngoái, ông Trần Đình Long cho biết tập đoàn này đặt mục tiêu vào nhóm 3 công ty bất động sản lớn nhất thị trường và đang tích cực triển khai các dự án để tiến tới mục tiêu này.
Tuy nhiên, Hòa Phát không đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất thông qua mua bán, sáp nhập dự án như thị trường vẫn làm.
“Chiến lược của Hòa Phát là tích cực đi các địa phương xin tham gia đấu thầu các chương trình phát triển đô thị, sau đó phát triển dự án. Triển vọng của lĩnh vực bất động sản là tốt đẹp vì Hòa Phát làm từ gốc, không phải bỏ tiền mua dự án, không bị áp lực giá vốn", ông Long cho biết.
Hiện lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát bao gồm xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và các dự án nhà ở, khu đô thị.
Hiện tại, Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật tại 3 khu công nghiệp, gồm Khu công nghiệp Phố Nối A (689ha), Khu công nghiệp Yên Mỹ II giai đoạn 1 (97,5ha) đều tại Hưng Yên và Khu công nghiệp Hòa Mạc - Hà Nam (131ha).
Ở mảng bất động sản nhà ở đô thị, Hòa Phát đã đầu tư xây dựng các dự án ở Hà Nội như Khu phức hợp Mandarin Garden 1 (2,5ha) tại quận Cầu Giấy, Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (1,3ha), Khu chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh, tại quận Hoàng Mai, Chung cư Hòa Phát 257 Giải Phóng, quận Đống Đa...
Trong quý 4.2022, doanh thu bán và cho bất động sản của Hòa Phát tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, đạt 410 tỉ đồng. Trước đó, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu từ lĩnh vực bất động năm 2022 khoảng 1.600 tỉ đồng, bao gồm 1.500 tỉ đồng từ cho thuê hạ tầng khu công nghiệp.
-
Ông chủ Hoa Sen Lê Phước Vũ tiếp tục đổ tiền vào bất động sản
Chiếm thị phần lớn với tôn mạ và ống thép dường như chưa đủ, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đang đổ tiền để quay lại giấc mơ bất động sản dang dở vài năm trước.
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo sớm xây dựng cầu Phong Châu
Sáng 18/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tình hình triển khai dự án xây dựng cầu Phong Châu mới của tỉnh Phú Thọ. Trước đó, cầu Phong Châu cũ kết nối huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao đã bị nước lũ kéo đổ trụ T7 làm sập ...
-
Viglacera lập công ty con vốn 600 tỷ, chưa công bố lĩnh vực kinh doanh
HĐQT Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) vừa công bố nghị quyết thông qua việc phê duyệt đề án thành lập và việc góp vốn để lập CTCP Viglacera Phú Thọ.
-
Thông xe cầu phao Phong Châu giúp người dân không phải đi đường vòng xa hơn hàng chục km
Sáng nay (30/9), sau khi Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh hoàn thành việc lắp đặt, kiểm tra kỹ thuật cầu phao dã chiến thay thế cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), các phương tiện ở hai bờ sông Hồng đã được phép lưu thông qua cầu....