Báo CATP số ra các ngày 4-1, 16-1-2014 có bài Vận động dân di dời bằng cách cắt điện, bít lối đi và Dùng văn bản quá đát để bồi thường với giá bèo, phản ánh khiếu nại của các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án (DA) tiêu thoát nước, cải thiện ô nhiễm môi trường tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.

Nhà ông Phan Văn Hùng ở mặt tiền đường chỉ được bồi thường 23 triệu đồng

Sau khi báo phát hành, Văn phòng UBNDTP đã ban hành hai công văn 223/VP-ĐTMT và 628/ VP-ĐTMT truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu Hội đồng thẩm định bồi thường TP, UBND và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) Q.Bình Tân làm rõ, báo cáo về những nội dung Báo CATP phản ánh.

Xài văn bản "hết đát" vẫn đúng luật!

Trong Công văn 16/BBT của Ban BTGPMB Q.Bình Tân ký ngày 20-1-2014 gửi Báo CATP, thông tin liên quan đến DA trên, ông Lại Phú Cường - Phó trưởng ban BTGPMB Q. Bình Tân - cho biết, DA được UBNDTP phê duyệt từ tháng 5-2002. Do có quyết định (QĐ) giao đất, tổ chức triển khai thực hiện trước khi Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực nên không cần phải ban hành QĐ thu hồi đất riêng lẻ đối với từng cá nhân (!).

Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ chúng tôi thấy đến cuối năm 2004 UBND Q.Bình Tân mới tổ chức họp dân công bố về DA và niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng. Điều này cũng đồng nghĩa phải đến năm 2004, DA mới được triển khai trên địa bàn quận. Khi đó, Luật đất đai ban hành năm 2003 đã có hiệu lực thi hành nên các QĐ về bồi thường, thu hồi đất phải tuân thủ quy định đó. Điều 44 Luật Đất đai năm 2003 về thẩm quyền ra QĐ thu hồi đất nêu rõ “Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”. Như vậy, việc Ban BTGPMB Q.Bình Tân cho rằng chỉ căn cứ vào QĐ thu hồi tổng thể của UBNDTP mà không cần ban hành QĐ thu hồi riêng lẻ từng hộ là chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó, Công văn 16/BBT của Ban BTGPMB Q.Bình Tân cũng khẳng định việc hàng loạt QĐ giải quyết chính sách hỗ trợ, đền bù cho người dân của ban này ký từ các năm 2009 - 2013 nhưng vẫn căn cứ Nghị định 22/1998/NĐ-CP đã hết thời hạn hiệu lực từ năm 2004 là phù hợp với quy định của pháp luật (!).

Về vấn đề này, luật sư Hồ Minh Thanh - Đoàn luật sư TPHCM - cho rằng cách trả lời của Ban BTGPMB Q.Bình Tân không thể chấp nhận được. Quyết định được ban hành tại thời điểm nào thì phải căn cứ vào quy định có hiệu lực pháp luật tại thời điểm đó vận dụng, không thể lập lờ kiểu kéo lùi về thời điểm DA được phê duyệt để căn cứ vào những văn bản luật đã hết hiệu lực thi hành cách đó cả 4 - 5 năm được.

Về việc Ban BTGPMB Q.Bình Tân cưỡng chế bằng cách cắt điện hai hộ Nguyễn Thị Lanh, Huỳnh Gia Minh ngay trước Tết Nguyên đán, theo ông Cường “dù thời điểm có hơi nhạy cảm nhưng không sai. Theo quy định, việc cưỡng chế chỉ không được thực hiện trước và sau Tết 15 ngày nên dù trước Tết 16 ngày, chúng tôi tiến hành cũng không ai nói gì được”(!). Ông Cường còn cho biết thêm, sắp tới sẽ tiếp tục cưỡng chế hai hộ trên. Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao có rất nhiều hộ xung quanh cùng bị giải tỏa nhưng không bị cưỡng chế cùng lúc mà chỉ “thí điểm” có hai hộ? Ông Cường cho biết điều đó còn tùy vào... hồ sơ pháp lý của từng hộ! Trong khi ông Minh lại cho rằng có lẽ do gia đình ông khiếu kiện nhiều nên được Ban BTGPMB Q.Bình Tân “chiếu cố”!

Thêm nhiều hộ lên tiếng

Ông Lê Hồng Chiến (SN 1972, ngụ số 84 đường 15, P. Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân) khiếu nại thêm, năm 2001 ông về mua đất dựng nhà ở đây, vị trí ngay mặt tiền đường số 15 với hai làn xe lưu thông nên phải trả với giá cao hơn rất nhiều so với các hộ đường đất trong hẻm. “Thế nhưng không hiểu sao khi áp giá bồi thường, gia đình tôi cũng bị cào bằng 2,5 triệu đồng/m2, trong khi theo thời giá, đất tại những vị trí này lên tới trên 20 triệu đồng/m2?”, ông Chiến bức xúc.

Gia đình ông Phan Văn Hùng (ngụ số 105 đường 15) càng thảm thương hơn. Năm 2000, ông Hùng mua mảnh đất diện tích 64m2 thuộc một phần thửa 90+395 tờ bản đồ số 8 của bà Phạm Thị Chưng giá 108 triệu đồng, đã được UBND huyện Bình Chánh (khi chưa tách quận - PV) cấp sổ đỏ ngày 7-1-1999. Năm 2001, ông xây nhà ở, đến năm 2004 khi dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên triển khai, phần đất nhà ông nằm trong ranh giải tỏa. Mãi đến tháng 6-2009, UBND Q.Bình Tân mới ban hành QĐ 6782/QĐ-UBND, chỉ bồi thường hỗ trợ gia đình ông hơn 23 triệu đồng và không được bố trí tái định cư.

Về trường hợp này, ông Cường giải thích do nhà ông Hùng xây sau Chỉ thị 08/2002/CT-UB ngày 22-4-2002 của UBND TPHCM nên không đủ điều kiện đền bù. Trong khi đó, ông Hùng bức xúc: “Nhà xây từ năm 2001 và tôi đã sinh sống ổn định từ đó đến nay, không bị ai tranh chấp, khiếu kiện hay ra QĐ xử phạt nào. Việc này tất cả hàng xóm xung quanh đều làm chứng, nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương lại cho rằng nhà tôi xây sau Chỉ thị 08 để né trách nhiệm bồi thường?”.

Ông Cường còn cho biết thêm, trên địa bàn Q.Bình Tân có 2.267 hộ dân và doanh nghiệp bị giải tỏa bởi DA trên. Đến nay, toàn DA đã vận động và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công được 1.876 hộ (đạt tỷ lệ 83%), hiện còn tồn đọng 391 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, 246 hộ chưa đồng ý nhận bồi thường hỗ trợ, chủ yếu tập trung ở các nhóm có nhà, đất thuộc đất kênh, rạch (60 hộ); có nhà xây dựng sau Chỉ thị 08/2002/CT-UB (28 hộ); không đồng ý tiếp xúc, hợp tác hồ sơ bồi thường do không chấp nhận quy mô ranh giải tỏa (92 hộ); không đồng ý giá bồi thường, chính sách bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư (56 hộ) và 10 doanh nghiệp tại KCN Tân Tạo chưa có chính sách bồi thường về đất.

Chủ đề: Thu hồi đất,
NHóm PVCĐ (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.