19/06/2013 8:27 PM
Trong số báo ra ngày 30-5-2013, báo PL&XH đã nêu một số vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp nhà số 17, ngõ 94, phố Đội Cấn giữa 6 anh chị em trong gia đình.

Theo đó, bản di chúc do người mẹ quá cố (cụ Công Thị Tập) lập, đang có “nguy cơ” không được thực hiện.

Sau khi báo phản ánh, chiều 17-6-2013, tại trụ sở UBND phường Đội Cấn đã diễn ra cuộc họp giữa chính quyền địa phương và những thành viên trong hợp đồng thuê nhà số 2173 (ký năm 1994 giữa cụ Công Thị Tập và Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) cùng với các đồng thừa kế của cụ Công Thị Tập (6 người con). Theo đó, hai bên vẫn chưa thống nhất được quan điểm chung về việc thỏa thuận người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại căn nhà trên.

Các thành viên trong hợp đồng thuê nhà số 2173 (gia đình ông Nguyễn Huy Thông – con trai cụ Tập), đề nghị hủy hợp đồng mua bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước số 570/HĐMBN ngày 14-4-2006, khôi phục lại hợp đồng thuê nhà năm 1994. Điều này đồng nghĩa với việc thu hồi GCNQSDĐ số AG754285 cấp ngày 7-11-2006, tài sản duy nhất có giá trị mà cụ Tập để lại cho các con.

Vợ chồng ông Nguyễn Huy Thông đề nghị hủy hợp đồng mua bán nhà và thu hồi GCNQSDĐ của người mẹ quá cố, cụ Công Thị Tập. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Trong khi đó, các đồng thừa kế (5 anh chị em còn lại), không đồng ý với việc thu hồi GCNQSDĐ cũng như việc hủy hợp đồng mua bán nhà năm 1994. Các con bà Tập (trừ ông Thông) không đồng tình với Báo cáo số 2844/BC-TTTP-P6 của thanh tra TP Hà Nội vì cho rằng, không chuẩn xác về nguồn gốc. Theo đó, trong mục nguồn gốc và quá trình quản lý, sử dụng nhà, đất, báo cáo chỉ nêu thời điểm từ sau năm 1994 chứ không đề cập đến quá trình quản lý, sử dụng trước đó.

Về tranh chấp này, luật sư Ngọc Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đánh giá, so với Văn bản số 1610/QLNPTN-TNBN của Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội thì Báo cáo số 2844/BC-TTTP-P6 của Thanh tra TP thiếu chính xác trong quá trình thẩm tra về nguồn gốc và quá trình quản lý, sử dụng nhà, đất; chưa đúng về bản chất do nêu thiếu các hợp đồng đã ký trước đây với cụ Nguyễn Huy Thụ (chồng cụ Tập, nay đã mất), hợp đồng đã ký với cụ Tập năm 1985. Đồng thời, thiếu tên một số thành viên khác như ông Nguyễn Huy Hồng và bà Nguyễn Ngọc Khanh trong các hợp đồng suốt thời gian từ năm 1984 đến trước năm 1994, thời điểm ký lại hợp đồng.

Văn bản số 1610, Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội nêu đầy đủ và rõ ràng về quá trình quản lý, ký hợp đồng thuê nhà của căn nhà trên. Theo đó, chủ hợp đồng thuê nhà đầu tiên là cụ Thụ. Sau khi cụ Thụ mất, cụ Tập đủ điều kiện để làm chủ hợp đồng thuê nhà ký lại vào năm 1985 và năm 1994.

Ông Trần Quang Hiệp, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường quận Ba Đình, cho rằng, các thành viên trong hợp đồng thuê nhà và các đồng thừa kế nên suy nghĩ lại vì nếu như hủy bỏ hợp đồng mua bán, thu hồi lại “sổ đỏ” và khôi phục lại hợp đồng thuê nhà thì việc mua nhà theo Nghị định 61 sẽ “tốn kém” hơn. Bởi theo Nghị định số 34/2013/NĐ-CP về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thì giá bán sẽ cao hơn nhiều so với thời điểm trước đó. Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Trinh, (Ban bán nhà của Cty quản lý và phát triển nhà Hà Nội), cũng cho rằng, các bên liên quan nên bàn bạc và có sự thỏa thuận về người đứng tên trong GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất. Ông Trinh cũng khẳng định, tại thời điểm thực hiện bán nhà, Cty đã thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.

Trong kết luận cuộc họp, ông Vũ Hữu Anh, Chủ tịch UBND phường Đội Cấn nêu rõ, UBND phường sẵn sàng đứng ra tổ chức hòa giải tiếp nếu các bên liên quan có đề nghị muốn được thỏa thuận. Còn nếu các đồng thừa kế của cụ Tập vẫn không đạt được thỏa thuận thì UBND phường sẽ báo cáo lại với UBND quận tìm hướng giải quyết dứt điểm..

Trong Văn bản 2492/UBND-TNMT của UBND TP có nêu: UBND TP giao UBND quận Ba Đình chủ trì phối hợp cùng Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội mời tất cả các thành viên có tên trong Hợp đồng thuê nhà số 2173 ngày 26-5-1994 và các thừa kế của cụ Tập tới để thống nhất thỏa thuận cho người đứng tên trong GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại căn nhà trên. Nếu thống nhất được thì sẽ làm thủ tục điều chỉnh lại tên chủ sử dụng.

Trường hợp không thống nhất được thì UBND quận Ba Đình và Cty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội sẽ làm thủ tục thu hồi GCNQSDĐ và hủy hợp đồng mua bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Đồng thời, khôi phục lại hợp đồng thuê nhà theo quy định của pháp luật. Do vậy, các đồng thừa kế của cụ Tập nếu không đồng tình với kết luận của thanh tra TP Hà Nội và UBND TP có thể gửi đơn khiếu nại, khiếu kiện lên các cơ quan chức năng và TAND cấp có thẩm quyền.

Nguyễn Tuấn (Pháp luật & Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.