Ông Đoàn Văn Mỹ
Thu hồi đất phục vụ dự án đã bị... khai tử
Có mặt tại tòa soạn Báo CATP, ông Đoàn Văn Mỹ (SN 1955, ngụ phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) cho biết: gia đình ông có 8.365,3m2 đất tọa lạc tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Phần đất này có nguồn gốc do gia đình ông khai phá và sử dụng ổn định từ trước năm 1975. Năm 2001, Công ty TNHH TM-XD phát triển nhà Đại Dũng đến thỏa thuận bồi thường diện tích đất trên nhằm thực hiện dự án nhà ở. Thế nhưng, khi mọi việc đang dở dang thì dự án trên bị đổ bể. Từ đó, gia đình ông tiếp tục sử dụng bình thường mảnh đất này.
Ngày 21-5-2004, UBND TPHCM ban hành quyết định số 2362/QĐ-UB, giao Trung tâm khai thác quỹ đất thu hồi 66.446m2 đất tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức để đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất. Theo quy hoạch thì một phần đất của gia đình ông sẽ nằm trong ranh giới dự án. Mặc dù chưa ban hành quyết định thu hồi đất, nhưng ngày 5-9-2005 Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức - Lê Văn Lộc vẫn ký quyết định số 839/QĐ-UB về việc chi trả bồi thường - hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho ông Đoàn Văn Mỹ để thu hồi diện tích đất 6.123,3m2.
Điều khôi hài là dù Nghị định số 22/1998/NĐ-CP về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất đã hết hiệu lực từ ngày 23-12-2004 và được thay thế bằng Nghị định 197/2004/NĐ-CP nhưng vẫn được ông Lê Văn Lộc lấy làm “căn cứ” để ban hành quyết định chi trả đền bù cho dân với giá chỉ 150.000 đồng/m2. Không đồng tình với chính sách đền bù trên, ông Mỹ đã khiếu kiện khắp nơi nhờ các cơ quan chức năng can thiệp. Trong khi sự việc chưa được giải quyết thì đến năm 2007, dự án thu hồi đấu giá quyền sử dụng khu đất 66.446m2 bị “khai tử” do nằm trong ranh giới dự án cải tạo kênh Ba Bò.
Ngày 15-8-2008, UBND TPHCM ban hành quyết định số 3517/QĐ-UBND về thu hồi đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng chuẩn bị thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò. Ngày 16-5-2011, UBND quận Thủ Đức ban hành hai quyết định số 2718/QĐ-UBND và 2720/QĐ-UBND thu hồi đất của ông Đoàn Văn Mỹ với tổng diện tích 6.473,7m2 để phục vụ dự án cải tạo kênh Ba Bò. Tuy nhiên, ngày 19-7-2012 ông Lộc lại ký tiếp hai quyết định số 3764/QĐ-UBND và 3769/QĐ-UBND hủy bỏ tính pháp lý của hai quyết định thu hồi đất nêu trên do phần đất của gia đình ông Mỹ nằm ngoài ranh thu hồi đất để chuẩn bị thực hiện dự án cải tạo kênh Ba Bò (?!).
Chỉ một ngày sau, ông Lộc ký tiếp quyết định số 3793/QĐ-UBND chi trả tiền bồi thường chỉ phục vụ dự án thu hồi 66.446m2 để đấu giá quyền sử dụng đất dù rằng dự án này đã bị “khai tử” từ năm 2007. Điều lạ lùng nữa là dù diện tích đất của ông Mỹ lên tới 8.365,3m2 nhưng quyết định số 3793/QĐ-UBND do ông Phó chủ tịch quận Thủ Đức Lê Văn Lộc ký chỉ chi trả bồi thường chỉ có 2.242m2 (?!). Ngoài ra, quyết định trên đây ông Lộc cũng “căn cứ” vào nghị định số 22/1998/NĐ-CP đã hết hiệu lực từ tận năm 2004! Đồng thời, quyết định trên cũng đã “tố cáo” sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của UBND quận Thủ Đức khi tiến hành chi trả bồi thường đất cho người dân nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.
Trong khi gia đình ông Đoàn Văn Mỹ đang khiếu kiện những quyết định trái khoáy khó hiểu của UBND quận Thủ Đức thì ngày 1-8-2012, ông Lê Văn Lộc ra quyết định cưỡng chế buộc gia đình ông Mỹ phải bàn giao toàn bộ 8.365,3m2.
Lâm vào tình cảnh tương tự, gia đình bà Phạm Thị Đăng (SN 1939, ngụ thị xã Dĩ An, Bình Dương) cũng bị thu hồi diện tích 1.159,2m2 ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức để phục vụ dự án cải tạo kênh Bà Bò, nhưng không được UBND quận Thủ Đức ra quyết định thu hồi đất và mục đích thu hồi đất cũng để phục vụ cho dự án đã bị “khai tử” từ năm 2007.
Ăn chặn tiền đền bù
Dẫn chúng tôi đi xem khu đất giờ đây đã bị đào sâu thành những hồ chứa phục vụ cho dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải kênh Ba Bò, ông Đoàn Văn Mỹ bức xúc: “Thu hồi đất của dân để phục vụ dự án cải tạo kênh Ba Bò, nhưng lại đá qua thu hồi đất cho một dự án đã bị “khai tử” từ trước đó là một việc làm đầy khuất tất của ông Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức - Lê Văn Lộc. Ngoài ra, dù toàn bộ 8.365,3m2 đất của gia đình tôi đã bị cưỡng chế để phục vụ dự án cải tạo kênh Ba Bò, nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ một quyết định thu hồi đất nào. Điều này khiến gia đình tôi không biết việc cưỡng chế có làm đúng hay không. Cùng với việc một mảnh đất nằm ở Bình Dương, nhưng vẫn được ông Lộc chi trả bồi thường, đáng lẽ ra phải bị thanh tra làm rõ các sai phạm. Thế nhưng đến nay vẫn chưa bị thanh tra, xử lý”.
Theo ông Đoàn Văn Mỹ, thực chất những việc làm khuất tất trên đây của UBND quận Thủ Đức chỉ là chiêu để ăn chặn tiền đền bù của người dân. Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Mỹ dẫn chứng diện tích đất của ông Đỗ Văn Chung (được Báo CATP phản ánh trong bài viết trước) chỉ có 941,5m2 nhưng được đền bù với số tiền lên tới trên 3 tỷ đồng. Trong khi đó, phần đất của ông nằm ngay sát bên cạnh có diện tích bị thu hồi lớn hơn gấp tám lần, quá trình sử dụng đất cũng lâu hơn nhiều nhưng chỉ được bồi thường hơn... 500 triệu đồng. Ông Mỹ càng bức xúc hơn khi nhiều người gặp trực tiếp với ông nói nếu “chịu chi” sẽ được áp giá bồi thường cao gấp nhiều lần.
Luật sư Lê Minh Luân (đoàn luật sư TPHCM) cho biết, việc UBND quận Thủ Đức tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của dân trong khi chưa ban hành quyết định thu hồi đất là một sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Các quyết định chi trả bồi thường đất đai nhưng không dựa trên quyết định thu hồi đất và căn cứ trên nghị định đã hết thời hạn hiệu lực pháp luật nên không có giá trị pháp lý. Mặt khác, việc thu hồi đất của người dân để phục vụ cho một dự án đã “khai tử” cũng là một cách làm đầy khó hiểu của UBND quận Thủ Đức.
Trước những việc làm khuất tất của UBND quận Thủ Đức, gia đình ông Đoàn Văn Mỹ đã khởi kiện yêu cầu hủy bỏ các quyết định cưỡng chế thu hồi đất ban hành trái pháp luật. Hy vọng trong phiên xét xử vào ngày 11-11-2013, tòa sẽ có những phán quyết công tâm và đúng pháp luật.