Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật xảy ra tại nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án cải tạo kênh Ba Bò nằm giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, xung quanh việc chi trả bồi thường “đặc biệt” có một không hai này đang ẩn chứa nhiều điểm khuất tất khiến dư luận rất bức xúc.

"Quan" đá trách nhiệm, dân chạy lòng vòng

Bà Phạm Thị Đăng (SN 1939, ngụ thị xã Dĩ An, Bình Dương) cho biết: gia đình bà có một mảnh đất 3.990m2 tọa lạc ở ấp Đồng An 2, xã Bình Hòa, huyện Thuận An (nay là phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) khai hoang từ trước năm 1975. Đầu năm 1995, vợ chồng bà cho ông Đỗ Văn Chung (quê Thanh Hóa) mượn khoảng 20m2 đất để dựng một cái chòi nhỏ làm nghề đập gạch.

Được cho ở nhờ, đáng lẽ ông Chung phải biết ơn nhưng ông này lại ngang nhiên lấn chiếm thêm rồi ung dung xây cất phòng trọ trái phép cho thuê. Văn bản số 82/BC-UB ký ngày 25-3-2002 do Chủ tịch UBND phường Bình Chiểu khi đó là Nguyễn Thị Biều xác nhận diện tích đất tranh chấp giữa bà Phạm Thị Đăng và ông Đỗ Văn Chung lúc này lên đến 660m2.

Năm 2009, dự án cải tạo kênh Ba Bò được điều chỉnh. Theo đó, toàn bộ diện tích đất tranh chấp và một phần diện tích đất riêng của gia đình bà Đăng nằm trong diện giải tỏa để xây dựng nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án cải tạo kênh Ba Bò. Qua làm hồ sơ bồi thường đất, bà Đăng biết được ông Chung cũng đang tiến hành làm hồ sơ xin bồi thường “lấn sâu” vào phần đất của bà lên đến 941,5m2. Ngày 13-7-2010, bà Đăng đã có đơn khiếu nại gửi Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Thuận An đề nghị không chi trả tiền bồi thường cho ông Chung do diện tích đất trên lấn chiếm của gia đình bà. Thế nhưng bà Đăng chờ mãi vẫn không nhận được câu trả lời từ UBND huyện Thuận An.

Bà Đăng cũng đã gửi đơn lên UBND xã Bình Hòa xin xác nhận quá trình canh tác đất và yêu cầu ngăn chặn chi trả bồi thường cho diện tích đất ông Chung lấn chiếm. Ngày 22-10-2010, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa - Võ Văn Châu ký công văn số 78/ CV-UBND nêu rõ: “Qua xác minh nguồn gốc đất và đối chiếu bản đồ địa chính, phần đất bà Phạm Thị Đăng đề nghị ngăn chặn nhận tiền đền bù của ông Đỗ Văn Chung và xin xác nhận nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất nằm ngoài địa giới hành chính của xã Bình Hòa quản lý, đất thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM quản lý”. Bà Đăng lại chạy qua UBND phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức để xin xác nhận, nhưng nơi đây lại đẩy về xã Bình Hòa, huyện Thuận An vì cho rằng phần đất này nằm ở địa phận tỉnh Bình Dương. Cứ thế, bà Đăng phải chạy đi chạy về giữa hai nơi mà không ai chịu giải quyết.


Kiểu giải tỏa bồi thường “lạ đời” ở dự án cải tạo kênh Ba Bò đang khiến nhiều người dân bức xúc

Nhầm, sai đủ thứ

Trong khi bà Đăng đang loay hoay chưa biết ai là người phải có trách nhiệm giải quyết đơn khiếu nại thì bất ngờ ngày 12-1-2011, UBND huyện Thuận An ban hành quyết định số 502/QĐ-UBND về việc thu hồi đất diện tích 941,5m2 do ông Đỗ Văn Chung quản lý và sử dụng để xây dựng cải tạo kênh Ba Bò! Ngày 29-1-2011, Phó chủ tịch UBND huyện Thuận An - Đặng Văn Ba ký tiếp công văn số 253/UBND-KT gửi UBND quận Thủ Đức xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất cho gia đình ông Chung với nội dung hết sức ngây ngô khó hiểu: “Hộ ông Đỗ Văn Chung sử dụng diện tích 941,5m2. Năm 1990 - 1992, ông Đỗ Văn Chung khai phá và xây dựng nhà ở trên phần đất này... Năm 2010, bà Phạm Thị Đăng có đơn ngăn chặn bồi thường cho ông Trần Văn Chung và được UBND xã Bình Hòa trả lời tại công văn số 78. Đến nay UBND huyện không nhận được đơn khiếu nại, thắc mắc liên quan đến phần đất này. Trường hợp không có tranh chấp thì hộ ông Đỗ Văn Chung đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 941,5m2 trong đó có 300m2 đất ở và 641,5m2 đất nông nghiệp”.

Công văn số 78 do UBND xã Bình Hòa ký đã thẳng thừng từ chối không giải quyết khiếu nại cho bà Đăng vì diện tích đất trên thuộc địa giới hành chính của quận Thủ Đức. Như vậy, ông Phó chủ tịch huyện Thuận An lấy tư cách gì để vin vào công văn này xác nhận mảnh đất trên không có tranh chấp và “đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” cho ông Trần Văn Chung? Một điểm nữa, năm 1992 ông Chung mới từ Thanh Hóa vào đây lập nghiệp. Khi mới vào được anh rể là ông Đoàn Văn Mỹ cho ở nhờ trên đất của mình. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Mỹ cũng khẳng định mãi đến năm 1995, Đỗ Văn Chung mới chuyển sang ở trên phần đất của bà Đăng. Như vậy không hiểu sao ông Phó chủ tịch huyện Thuận An lại có thể xác nhận cho ông Chung khai phá và xây nhà trên phần đất này từ năm 1992 (?!).

Khi mọi chuyện khiếu nại chưa được giải quyết, UBND huyện Thuận An đã vội vàng lên phương án chi trả đền bù cho ông Đỗ Văn Chung. Một điều hết sức bất ngờ là dù UBND thị xã Thuận An lên phương án đền bù nhưng lại “đẩy” cho quận Thủ Đức... chi trả bồi thường. Ngày 11-5-2011, UBND quận Thủ Đức ban hành quyết định số 2614/QĐ-UBND chi trả tiền bồi thường - hỗ trợ và thu hồi mặt bằng cho ông Đỗ Văn Chung với tổng số tiền gần 3,039 tỷ đồng. Như vậy, một mảnh đất nhưng lại do huyện Thuận An lên phương án đền bù rồi chuyển cho quận Thủ Đức chi trả tiền bồi thường. Đây có thể nói là một sự việc đặc biệt có một không hai trong đền bù, giải phóng mặt bằng từ trước đến nay.

Chưa hết khôi hài, dù ông Chung chưa một ngày nào ở trong nhà bà Đăng nhưng trong quyết định chi trả bồi thường đất của UBND quận Thủ Đức cho ông Đỗ Văn Chung lại “ghi nhầm” địa chỉ của ông này thành địa chỉ nhà của bà Phạm Thị Đăng ở số 16/45 khu phố Bình Minh 2, thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương (?!). Trước hàng loạt các điểm khuất tất nêu trên, gia đình bà Đăng đã làm đơn khiếu kiện khắp nơi và hiện nay Thanh tra tỉnh Bình Dương đã vào cuộc tìm hiểu vụ việc. Gia đình bà Đăng hy vọng sẽ sớm nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Thiên Long (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.