Trình bày trước tòa, bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (cựu nhân viên pháp lý Công ty Alibaba) bật khóc khi nhớ tới câu nói của ba “cho con đi học luật mà vướng vào lao lý".

Lời bào chữa của nữ cử nhân luật

Tiếp tục phần tranh tụng, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến công ty địa ốc Alibaba. Zingnews ghi nhận lời tự bào chữa của bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh cựu nhân viên pháp lý Công ty Alibaba.

Trinh cho biết bị cáo có bằng cử nhân luật, việc bị cáo phải đứng trước tòa, trước vòng lao lý bị cáo phải đánh đổi danh dự, tuổi trẻ, sự nghiệp và nhất là danh dự của dòng họ, người thân. "Ba bị cáo nói một câu mà bị cáo thấy mình bất hiếu, đó là cho con đi học luật mà vướng vào lao lý", Trinh khóc.

Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (hình: Nguyễn Anh)

Bị cáo Trinh trình bày, trong thời gian làm việc tại Alibaba, bị cáo có tuổi trẻ cộng với sự nhiệt huyết nên luôn cố gắng hoàn thành vai trò nhân viên của mình đối với công việc được giao. Bị cáo không biết rõ được hậu quả cũng như sự việc mà bị cáo gây ra, nếu bị cáo nhận thức được thì bị cáo đã không làm.

Nguyễn Huỳnh Tú Trinh cho rằng đối với cáo buộc của VKS về việc bị cáo đứng tên, nhận chuyển nhượng các thửa đất thì bị cáo đồng ý, còn nội dung cho rằng bị cáo thực hiện các vấn đề về pháp lý như cáo trạng nêu thì không đúng với hành vi thực tế bị cáo thực hiện.

Phía luật sư bào chữa cho bị cáo Trinh cho rằng các công ty con của Alibaba được thành lập hợp pháp theo luật doanh nghiệp, các mẫu hợp đồng không phải do Trinh soạn thảo, bị cáo không biết Nguyễn Thái Luyện thành lập nhiều công ty để làm gì. Bị cáo chỉ làm theo ý kiến của lãnh đạo công ty, không biết việc làm của mình là sai trái.

Đề nghị bản án cho "Nữ tướng Alibaba"

Theo báo Lao Động, trong vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba, bị cáo Trinh bị Viện kiếm sát nhân dân (VKSND) TP.HCM cáo buộc có vai trò giúp sức cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Trinh được Luyện chỉ đạo làm thủ tục đăng ký thành lập 20/22 pháp nhân trực thuộc Công ty Alibaba để lừa đảo; soạn thảo các biên bản họp, giấy ủy quyền, lập hồ sơ pháp lý…

Ngày 11/5/2018, Trinh đứng tên nhận chuyển nhượng 4 thửa đất tại xã Long Phước, H.Long Thành (Đồng Nai) và ủy quyền cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện, cựu Giám đốc Công ty Alibaba Law Firm) lập dự án "ma" Khu dân cư Alibaba Long Phước 15, chuyển nhượng 154 nền, thu hơn 95,7 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh tại phiên tòa tháng 11/2019 (hình: NĐT)

Để tránh khách hàng tố giác, Công ty Alibaba đã thu mua lại 153 nền hơn 93,7 tỉ đồng; chiếm đoạt của 1 bị hại 1,9 tỉ đồng. Sau đó, Luyện hợp nhất dự án này với dự án Alibaba Long Phước 4 với 241 nền đất. Đến nay, đã 93 khách hàng tố cáo, chiếm đoạt 64,2 tỉ đồng.

Trong phiên luận tội ngày 19/12, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh cùng các đồng phạm mức án từ 12-20 năm từ về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng với tội danh này bị cáo Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị mức án tù chung thân; bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh bị đề nghị tù 16-18 năm tù.

Theo bản luận tội của VKSND, bị cáo Luyện rao bán cái mình không có, lừa dối người mua hàng bằng thủ đoạn lập hệ thống các tổ chức công ty để che giấu hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 2.400 tỷ đồng của hơn 4.500 bị hại.

Trước đó, vào ngày 28/11/2019, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng tuyên phạt Nguyễn Huỳnh Tú Trinh 4 năm 6 tháng tù về hai tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” và “gây rối trật tự công cộng”. Theo đó, Trinh chỉ đạo nhân viên Công ty Alibaba đập xe của đoàn cưỡng chế UBND xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.