09/10/2019 12:26 PM
CafeLand - Sau những lùm xùm về vụ chuyển nhượng khu đất 43 ha thực hiện dự án Khu đô thị Tân Phú (phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, Tổng công ty sản xuất – xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương) mới đây đã có văn bản lên tiếng. Để rộng đường dư luận và có cái nhìn đa chiều, CafeLand xin lược trích ý kiến phản hồi của TCT Bình Dương về vụ việc này.

“Không phải đất công”

TCT Bình Dương cho biết, năm 2004, thực hiện chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào khu liên hợp có diện tích 4.200 ha của UBND tỉnh Bình Dương và tinh thần của đề án phát triển Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh nghiệp này đã được chấp thuận chủ trương cho tham gia đền bù và đầu tư khu dịch vụ 567,3 ha theo Hợp đồng đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực tại Khu liên hợp CN-DV-ĐT Bình Dương số 06/HD ngày 24/11/2004, được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt ngày 29/11/2004.

Thực hiện Hợp đồng trên, TCT Bình Dương đã vay Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – SGDII và huy động vốn từ việc hợp tác kinh doanh với các đơn vị liên doanh, liên kết để có vốn trả tiền đền bù cho Ban quản lý khu liên hợp. Doanh nghiệp này sau đó tiến hành xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào Khu liên hợp theo quy hoạch được phê duyệt để có nguồn thu trả nợ vay.

Công ty này cho biết đã hoàn tất việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) từ năm 2004, được Ban quản lý Khu liên hợp bàn giao thực địa và mốc ranh đất theo biên bản ngày 01/06/2006. Từ năm 2010 đến năm 2013, doanh nghiệp được UBND tỉnh Bình Dương giao đất làm nhiều lần và đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

“Như vậy, các khu đất được báo chí đề cập không phải đất công có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước mà khu đất này do Tổng công ty đền bù GPMB từ nguồn vốn vay ngân hàng và huy động vốn từ các công ty liên doanh, liên kết”, TCT Bình Dương khẳng định.

Không có chuyện bán, chuyển nhượng?

Liên quan đên việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ) vào Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tân Thành (Công ty Tân Thành), phía doanh nghiệp cho biết, năm 2007, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp này đã ký kết hợp đồng liên doanh với đối tác Hàn Quốc để thành lập Công ty liên doanh với tên gọi là Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tân Thành.

Năm 2011, phía đối tác Hàn Quốc gặp khó khăn về tài chính nên không thể tiếp tục thực hiện dự án và đã tiến hành chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tân Thành cho Công ty cổ phần Hưng Vượng và Công ty TNHH Phát Triển. Sau chuyển nhượng, tỷ lệ sở hữu và giá trị phần vốn góp của TCT Bình Dương vẫn không đổi, với 144 tỉ đồng góp bằng quyền sử dụng đất.

Doanh nghiệp này cũng cho biết, theo Hợp đồng đền bù GPMB đất đai và đầu tư công trình tạo lực tại Khu liên hợp Bình Dương, doanh nghiệp này đã tiến hành đền bù cho Ban quản lý Khu liên hợp Bình Dương hơn 414 tỉ đồng, với tổng diện tích hơn 567,3 ha. Tuy nhiên, do UBND tỉnh Bình Dương chậm trễ trong thủ tục thu hồi đất và bàn giao đất nên đến tháng 2/2013, UBND tỉnh Bình Dương mới cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho các khu đất cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở GCNQSDĐ được cấp, năm 2016, TCT Bình Dương mới hoàn tất thủ tục góp vốn bằng QSDĐ cho Công ty Tân Thành theo thỏa thuận góp vốn liên doanh và Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp.

TCT Bình Dương khẳng định: “Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nêu trên tại Công ty Tân Thành là hoàn toàn đúng pháp luật”.

Cụ thể, doanh nghiệp này cho rằng không thực hiện việc bán hay chuyển nhượng lô đất 145ha cho Công ty Tân Thành mà là thực hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất của lô đất này theo Thỏa thuận góp vốn liên doanh đã ký. Việc này là thực hiện quyền tài sản theo Điều 181 Bộ Luật Dân sự 2005 và là tài sản góp vốn hợp pháp của TCT Bình Dương theo Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005.

TCT Bình Dương cũng khẳng định, việc xin chủ trương kinh doanh, ký hợp tác liên doanh với hàng loạt các đối tác khác đã được cơ quan có thẩm quyền là Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đồng ý tại Văn bản 4808 ngày 24/10/2007.

“Pháp luật doanh nghiệp cho phép và ghi nhận việc góp vốn bằng quyền tài sản, không có bất cứ quy định nào về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện sau khi có GCNQSDĐ. Điều này phù hợp với các chế định pháp luật khác về quyền tài sản hình thành trong tương lai đối với bất động sản”, doanh nghiệp này cho biết.

Về giá trị tài sản góp vốn, TCT Bình Dương khẳng định, do lô đất không phải đất công nên việc định giá tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất đối với lô đất 145ha theo đơn giá khoảng 138.000 đồng/m2 là phù hợp với giá đất thị trường tại thời điểm góp vốn thành lập Công ty Tân Thành năm 2007 và thỏa thuận giữa các cổ đông thành lập công ty tại Thỏa thuận cổ đông đã ký.

Theo doanh nghiệp, việc so sánh giá đất theo Quyết định 66/2015 ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Bình Dương là không phù hợp với giá đất thị trường tại thời điểm góp vốn và trái với nguyên tắc nhất trí giữa các cổ đông sáng lập Công ty Tân Thành được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

TCT Bình Dương chỉ là thành viên góp vốn?

Liên quan đến việc chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú), TCT Bình Dương khẳng định, năm 2010, tỉnh ủy Bình Dương có công văn số 1830 ngày 17/08/2010 cho phép doanh nghiệp hợp tác với Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc để thành lập Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tân Phú, với mục tiêu là đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án, có diện tích 43ha tọa lạc tại phường Phú Mỹ, trong đó TCT Bình Dương góp vốn 30% vốn điều lệ của Công ty Tân Phú.

Theo thỏa thuận liên doanh, ngày 01/07/2010, hai bên thống nhất rằng Công ty Tân Phú sẽ hoàn trả tiền đền bù GPMB cho toàn bộ khu đất bao gồm quyền sử dụng đất với chi phí 570.000 đồng/m2.

Thực hiện thỏa thuận, liên doanh đã ký, doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục xin giao đất và nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước. Sau đó, đến ngày 8/12/2016, TCT Bình Dương làm thủ tục chuyển giao quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Phú thực hiện dự án. Công ty Tân Phú đã thanh toán tiền đền bù đất và hạ tầng trên đất cho TCT từ năm 2010.

Vì vậy, TCT Bình Dương và Công ty Tân Phú đã tiến hành ký kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, trong đó đơn giá đất kế thừa từ hợp đồng liên doanh năm 2007 và nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận tại Điều 4 Bộ Luật Dân Sự 2005.

TCT Bình Dương cho rằng, việc chuyển nhượng vốn góp phù hợp với các quy định của Luật quản lý vốn và tài sản nhà nước và các văn bản hướng dân thi hành.

Hiện doanh nghiệp này đã xin chủ trương từ chủ sở hữu là Tỉnh ủy Bình Dương và tuân thủ theo hướng dẫn để bảo toàn vốn nhà nước, có lợi nhuận và đảm bảo tính kế thừa liên tục trong việc triển khai thực hiện dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại Tân Phú, phù hợp quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt.

Liên quan đến thông tin Kim Oanh Group đang là doanh nghiệp hưởng lợi từ việc bán 43ha đất công, TCT Bình Dương cho rằng điều này là thiếu căn cứ.

Theo TCT Bình Dương, hiện dự án phát triển bất động sản vẫn chưa được phê duyệt về mặt pháp lý và chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đối với nhà nước.

“Chúng tôi mong cơ quan Thanh tra sớm có kết luận đúng sai rõ ràng về vụ việc này để ổn định tình hình hoạt động, kinh doanh của công ty”, TCT Bình Dương cho hay.

T.A
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.