25/11/2013 10:33 PM
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, tình trạng lấn chiếm kênh rạch để xây dựng nhà cửa, công trình ngày càng diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các quận vùng ven, khu vực mới đô thị hóa. Trong khi đó, biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe.

Những trường hợp điển hình

Qua kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng và các quận, huyện đã phát hiện hàng loạt cá nhân, tổ chức lấn chiếm kênh rạch, bất chấp nhiều lần kiểm tra, xử phạt, thậm chí ra quyết định cưỡng chế nhưng công trình vẫn đâu lại hoàn đó.

Theo báo cáo chưa đầy đủ từ 17/24 quận, huyện, toàn TP đã có 2.238 trường hợp là đơn vị, cá nhân vi phạm lấn chiếm hành lang sông, kênh rạch. Một số quận, huyện có vi phạm nhiều như Thủ Đức 480 trường hợp, quận 12 có 409 trường hợp, quận 4 có 235 trường hợp…

Công trình nhà ở của CTCP Làng Ngọc Phú thuộc dự án khu biệt thự do Công ty TNHH Thế Minh làm chủ đầu tư tại quận 2, được Sở Quy hoạch-Kiến trúc phê duyệt chỉ giới xây dựng các công trình phải cách bờ sông tối thiểu 20m (trong đó từ bờ sông vào 15m là diện tích cây xanh công cộng).

Tuy nhiên, sau khi xây dựng công trình, phần tiếp giáp giữa công trình nhà ở và bờ hiện hữu sông Sài Gòn (15m) chủ đầu tư đã tự ý trồng cỏ và làm sân sử dụng riêng. Đồng thời xây dựng tường cao 2m bao khuôn viên nhà đến bờ hiện hữu sông Sài Gòn.

Tại địa chỉ 243-245 Ung Văn Khiêm, phường 25 quận Bình Thạnh là công trình xây dựng sai phép do bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc làm chủ đầu tư. Theo thanh tra Sở Xây dựng, năm 2009 bà Ngọc xây dựng nhà không phép quy mô 3 tầng.

UBND phường 25 đã lập biên bản hành chính và tạm đình chỉ thi công. Sau đó chủ đầu tư xin giấy phép xây dựng, nhưng việc thi công không đúng như giấy phép nên UBND quận ban hành quyết định cưỡng chế. Dù vậy, hiện nay công trình đã đưa vào sử dụng. Bà Ngọc đã xây dựng bờ kè và tường rào (lắp kính cường lực) trên bờ hiện hữu sông Sài Gòn, đồng thời xây dựng sai phép vi phạm hành lang sông Sài Gòn 53,25m (nơi gần nhất 13,5m).

Không chỉ sông, rạch cũng bị lấn chiếm và đổ sàn bê tông kiên cố. Như tại địa chỉ số 5/12B Nguyễn Bình, ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè do ông Nguyễn Văn Lắm làm chủ đầu tư, qua kiểm tra phát hiện ông Lắm đổ sàn bê tông 52m2 trên hành lang bảo vệ rạch Bà Chiêm.

Gây ngập úng, phá vỡ cảnh quan

Hệ thống kênh rạch bị lấn chiếm sẽ dẫn đến môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm và ngập úng xảy ra thường xuyên. Là con rạch có vị trí quan trọng trong tiêu thoát nước cho các quận 5, 6 và 11, nhưng lâu nay rạch Hàng Bàng ở quận 6 đã trở thành túi nước ô nhiễm do bị lấn chiếm.

2 bên bờ rạch nhà san sát nhau, trong đó có nhiều nhà được làm theo kiểu nhà sàn, lấn ra giữa lòng rạch. Dù chính quyền địa phương đã gắn biển cấm xả rác và ghi rõ mức phạt nhưng bao nhiêu loại rác cứ thản nhiên được vứt thẳng xuống lòng kênh. Cả một tuyến kênh dài trở thành nơi sinh sống lý tưởng cho chuột, muỗi và là nơi chứa đủ loại rác. Cứ mỗi mùa mưa đến là cả khu vực này bị ngập úng nặng nề.

Một buổi ra quân dọn dẹp rác thải trên rạch Hàng Bàng.

Thời gian qua Sở Xây dựng đã phối hợp với các quận, huyện để xử lý các vụ việc. Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế các công trình lấn chiếm tồn tại lâu dài có một phần trách nhiệm của các địa phương. Công trình của ông Nguyễn Văn Lắm nói trên, sau khi xử phạt hành chính UBND huyện Nhà Bè cho tồn tại công trình, nhưng theo Sở Xây dựng là không có cơ sở.

Ngoài gây ngập úng, ô nhiễm, việc lấn chiếm kênh rạch sẽ phá vỡ cảnh quan. Đặc biệt nếu các địa phương tiếp tục xem nhẹ công tác bảo vệ sông, rạch, sau này TP sẽ rất tốn kém trong việc di dời, cải tạo hệ thống sông, rạch trên địa bàn.

Bởi thực tế cho thấy, để di dời các hộ dân sống ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tại thời điểm năm 1993 TP đã phải bỏ ra hơn 1.600 tỷ đồng bồi thường giải tỏa hơn 7.000 hộ dân. Hay để cải tạo rạch Ụ Cây (quận 8), TP đã phải chi khoảng 4.179 tỷ đồng để di dời hơn 2.500 hộ dân...

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết để giải quyết những tồn tại nêu trên, sở đã thành lập 4 tổ công tác để kiểm tra thực địa các trường hợp vi phạm. Trước ngày 7-12 sẽ hoàn thành việc kiểm tra thực tế, sau đó thống nhất báo cáo, tổng hợp, đề xuất hướng xử lý các trường hợp vi phạm gửi TP về hành lang an toàn sông, kênh, rạch.

Đỗ Bình Minh (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.