27/11/2022 6:26 PM
Trong khi Việt Nam cần phải vượt qua những thách thức ngắn hạn từ các điều kiện tài chính và kinh tế vĩ mô chặt chẽ hơn, thị trường này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ tới nhờ tầng lớp tiêu dùng đang lên.

Theo một báo cáo về tầng lớp tiêu dùng đang lên của Việt Nam do Morgan Stanley công bố, với dân số gần 100 triệu người có trình độ học vấn tương đối cao và dòng vốn tiếp tục đổ vào lĩnh vực sản xuất có hiệu suất tốt, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ tầng lớp trung lưu trẻ và am hiểu công nghệ đang gia tăng nhanh chóng.

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 6,7%, nhanh hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào ngoại trừ Trung Quốc. Trong khi tốc độ tăng trưởng của Bắc Kinh đã được điều chỉnh giảm trong năm nay, thì kinh tế Việt Nam được dự báo tăng lên 7,5%, vượt xa Trung Quốc và phần lớn các nước còn lại trên thế giới.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi. Trước đây, Việt Nam thu hút các công ty may mặc nước ngoài tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ. Hiện tại, hàng điện tử chiếm 32% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, so với 11% vào một thập kỷ trước đó. Điều này là do các công ty điện tử toàn cầu đang tạo ra các vị trí được trả lương cao hơn cho những lao động có tay nghề tốt hơn.

Giáo dục là một yếu tố mang lại cho sự thành công cho nền kinh tế này. Khi dân số tăng nhanh, Việt Nam đã đầu tư công rất lớn vào giáo dục tiểu học trong những năm 1990. Hiện Việt Nam đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế) so với hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác. Đây là một động lực thu hút vốn nước ngoài bởi tạo ra nguồn nhân lực sản xuất tốt với mức lương cạnh tranh.

Sự tăng trưởng tại Việt Nam diễn ra tương đối toàn diện. Các hộ gia đình trung lưu đang hình thành ở khu vực nông thôn nhanh hơn so với khu vực thành thị. Các thành phố loại 2 và 3 đang mọc lên như nấm xung quanh các trung tâm sản xuất mới. Tỷ lệ tham gia lao động của nữ giới so với nam giới thuộc dạng cao nhất trên thế giới, khoảng 88%.

Đến năm 2023, Việt Nam sẽ có thêm 36 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, nâng tổng số người thuộc nhóm này lên 76 triệu. Theo ước tính, Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới vào năm 2030, lớn hơn Đức hoặc Vương quốc Anh. Tầng lớp trung lưu mới là cả những người trẻ - độ tuổi trung bình là 32,5, và hiểu biết về công nghệ - với khoảng 85% dân số trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh. Những yếu tố này thúc đẩy sức mua để tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, mang lại cơ hội tăng trưởng cho các mặt hàng có giá trị cao như đồ trang sức, sản phẩm hữu cơ và du lịch.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cho tầng lớp trung lưu sẽ được hưởng lợi. Mặc dù tốc độ đô thị hóa và số hóa nhanh chóng, nhưng hơn 80% giao dịch bán lẻ tại Việt Nam đang diễn ra tại các cửa hàng nhỏ lẻ hoặc chợ truyền thống. Do đó, các cửa hàng bán lẻ hiện đại và mọi thứ họ cung cấp cho người tiêu dùng, theo tiêu chí nhất quán, chất lượng và sạch sẽ, đều đang phát triển nhanh chóng.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng đang mở rộng. Hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng đội ngũ nhân tài đang phát triển mạnh mẽ. Kỹ sư phần mềm được trả lương tương đối rẻ, thấp hơn 20% so với tại Ấn Độ. Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang mở rộng nhanh chóng.

Dù triển vọng tương lai tươi sáng, có một số rủi ro mà nền kinh tế này phải đối mặt. Việt Nam vẫn có mối gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc, chiếm tổng cộng 35% kim ngạch xuất khẩu. Với triển vọng không chắc chắn của hai nền kinh tế lớn này trong năm tới, Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng suy thoái tạm thời.

Ngoài ra, Việt Nam đã chứng kiến ​​chu kỳ tín dụng kéo dài trong 5 năm qua, điều này có thể gây rủi ro cho hệ thống tài chính khi lãi suất tăng và nền kinh tế trong nước chậm lại. Một số vấn đề đang nổi lên, bao gồm tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề trước việc siết chặt tín dụng vào bất động sản và tác động lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

Bất chấp những rủi ro này, Morgan Stanley tin rằng Việt Nam là một trong số ít quốc gia thúc đẩy làn sóng đầu tư tiếp theo vào các thị trường mới nổi. Sức mạnh của nguồn nhân lực và vốn FDI đang tạo ra một tầng lớp trung lưu đông đảo, trẻ trung và am hiểu công nghệ cho quốc gia này. Việt Nam cũng đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, Morgan Stanley cho rằng Việt Nam nên tiếp tục theo đuổi chiến lược toàn cầu hóa trong một thế giới mà toàn cầu hóa đang bị đảo ngược.

  • Doanh nghiệp ngoại cần gì nhất khi đầu tư vào Việt Nam?

    Doanh nghiệp ngoại cần gì nhất khi đầu tư vào Việt Nam?

    Các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn Việt Nam họ thường quan tâm nhất đến điều kiện đầu tư, các công nghệ hỗ trợ, chất lượng nhân lực, thủ tục gọn gàng và chính sách vĩ mô ổn định. Đây cũng là những bài toán mà Việt Nam cần giải để thu hút dòng vốn ngoại thay vì chỉ dựa vào giá thuê đất, nhân công rẻ.

Lam Vy (MS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.