03/09/2023 11:33 AM
Trong khi người tiêu dùng tại một số thị trường như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Singapore đã dần lấy lại sự lạc quan trong chi tiêu thì tại Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc, người dân vẫn chưa thực sự trở lại mức chi tiêu như trước.

Làn sóng suy giảm tâm lý tiêu dùng lan khắp châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh minh hoạ

Tín hiệu tốt từ các yếu tố vĩ mô

Châu Á – Thái Bình Dương được xem là điểm sáng về kinh tế trong bức tranh đa phần ảm đạm của thế giới. GDP khu vực được dự báo đạt mức tăng 4,3%/năm trong năm 2023 với động lực là sự mở cửa trở lại của Trung Quốc và phát triển ngược dòng của Ấn Độ và khối ASEAN.

Theo Savills, lạm phát sẽ giảm nhẹ xuống mức 2.9% trong năm 2023 khi khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu được giải quyết triệt để và giá năng lượng giảm. Dù vậy, sức ép về giá hàng hóa tại một số thị trường chính như Úc hay Singapore đang bị đẩy lên mức gần cao nhất trong một thập kỷ trở lại đây. Giá cao đồng thời tác động làm giảm khả năng tiêu thụ. Tuy nhiên, vẫn còn những động lực để thị trường tiếp tục phục hồi.

Kể từ thời điểm mở cửa du lịch vào năm 2022, nhiều điểm đến tại Châu Á – Thái Bình Dương đã ghi nhận lượng khách quốc tế tăng vọt, đạt 101 triệu lượt khách, tăng 306%. Số lượng du khách quốc tế dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh người dân giải phóng nhu cầu du lịch bị dồn nén và lượng tiền tiết kiệm trong đại dịch.

Trong quý 1.2023, Ấn Độ ghi nhận mức phục hồi lên tới 80% về lượng khách quốc tế so với mức tiền đại dịch. Ngoài ra, mức độ phục hồi của ngành du lịch Thái Lan và Nhật Bản so với trước đại dịch lên tới 60%. Điều này dẫn đến dự đoán ngành bán lẻ cao cấp của hai quốc gia này sẽ tăng trở lại theo sự tăng trưởng của du lịch quốc tế.

Sức mạnh từ thị trường nội địa

Một nghiên cứu của Savills cho thấy, trong thời gian đại dịch, số tiền tiết kiệm mà các hộ gia đình tại Châu Á – Thái Bình Dương tích lũy đã tăng kỷ lục. Ngoài một số rút tiền để thỏa mãn tâm lý “chi tiêu trả thù” và đối phó với lạm phát, lượng tiền gửi ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng cao tại một số thị trường như Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan trong quý 1.2023

Việc tăng tiết kiệm được xem như phương án tích trữ tài sản trong bối cảnh người dân tại nhiều thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hầu hết giữ thái độ thận trọng trước thách thức về kinh tế cũng như địa chính trị hiện nay. Trong khi người tiêu dùng tại một số thị trường như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Singapore đã dần lấy lại sự lạc quan trong chi tiêu thì tại Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc, người dân vẫn chưa thực sự trở lại mức chi tiêu như trước.

Thêm vào đó, Trung Quốc đang là quốc gia hứng chịu làn sóng suy giảm tâm lý tiêu dùng nặng nề nhất trong 10 năm trở lại đây. Nền kinh tế hồi phục chậm hơn dự báo, khủng hoảng nợ công, giá nhà gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp đáng báo động là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của người dân. Trong đó, các thương hiệu hạng sang bị ảnh hưởng nhiều hơn cả. Những “ông lớn” trong ngành bán lẻ xa xỉ như LVMH, Richemont, Kering và Hermes trước đây ghi nhận thị trường Trung Quốc luôn đạt doanh số cao nhất khu vực Châu Á, nhưng vị trí này đã thuộc về Nhật Bản trong quý 1.2023.

Với việc doanh số các sản phẩm xa xỉ kém ổn định trong bối cảnh tâm lý thị trường yếu từ Trung Quốc, nhiều nhãn hàng đã dần triển khai chiến lược mở rộng danh mục cửa hàng và gia tăng sự xuất hiện tại các thị trường trọng yếu mới nổi mới như Đông Nam Á, trong đó nổi bật là Singpaore, Thái Lan và Việt Nam.

Tại đa số thị trường bán lẻ cao cấp tại Châu Á – Thái Bình Dương, giá thuê đã chạm đáy trong nửa cuối 2022 sau 3 năm đình trệ do đại dịch. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã trở lại từ đầu năm 2023. Tại thời điểm này, du lịch được phục hồi, mức tiêu thụ nội địa trở nên ổn định đi kèm sự khan hiếm của nguồn cung mặt bằng bán lẻ cao cấp đã đẩy giá thuê mặt bằng tăng nhẹ từ 0.5 đến 0.7%.

Những thị trường trong khu vực với tốc độ tăng giá thuê cao nhất trong nửa đầu năm 2023 có thể kể đến Hồng Kông (5.7%), Singapore (3.1%) và Đài Bắc (3.1%). Tuy nhiên, đáng chú ý là một số thành phố tại Trung Quốc như Thẩm Quyến và Quảng Châu lại nằm ngoài xu hướng tăng giá thuê, khi những thị trường này lại ghi nhận nguồn cung mới dồi dào và nhu cầu tại địa phương giảm.

Triển vọng nào tại Việt Nam?

Thị trường Việt Nam được đánh giá khá tốt nhờ nguồn cầu bán lẻ. Theo Tổng cục thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 3.529,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nổi bật là doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 2.777,7 nghìn tỷ, tăng 9% so với cùng kỳ 2022, Dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 377,3 nghìn tỷ, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội cho biết: “Mặc cho lượng tiêu thụ giảm tại hầu hết các thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các tín hiệu vẫn đang cho thấy sự bền bỉ của thị trường và hiệu suất cao hơn các khu vực khác trên toàn cầu. Hầu hết các thị trường Châu Á – Thái Bình Dương đều ghi nhận xu hướng tăng trưởng. Về nguồn cung, bức tranh thể hiện sự xao động khá lớn”.

Các thị trường Nhóm 1 như Trung Quốc, Hong Kong đang đối mặt với áp lực nguồn cung khi nhiều dự án sắp được đưa ra thị trường. Nhìn chung, nguồn cung trung tâm thương mại hạng sang mới tại 12 thị trường cốt lõi tại Châu Á Thái Bình Dương sẽ đạt 9,5 triệu m2 từ 2023 tới 2025. Trong đó, hơn 80% của nguồn cung mới tập trung tại Trung Quốc với Bắc Kinh chiếm 1,7 triệu m2. Trong khi đó, các thị trường chủ lực như Đài Loan, Bangkok, TP.HCM hay Hà Nội đều ghi nhận nguồn cung hạn chế, từ đó kéo tỷ lệ lấp đầy ở mức cao.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.