Việt Nam đang khởi động lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng nhằm giúp đa dạng nguồn cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Theo kế hoạch của Chính phủ hồi cuối năm 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2, tổng công suất 4.000 MW (2x2.000 MW).
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngày 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần khẩn trương triển khai công việc, vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục tiêu xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm. Ảnh: VGP
Theo Thủ tướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành khoa học công nghệ hạt nhân đã rất rõ, trong đó có chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân, góp phần đáp ứng nhu cầu điện sạch, nhất là với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 2 con số thì tăng trưởng điện phải 15-18%.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, theo Thủ tướng phải có các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ đột phá, trong đó có lĩnh vực công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, gồm điện hạt nhân, y học hạt nhân…
“Mục tiêu xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm, từ đó xác định lộ trình, công việc của từng năm để tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, chúng ta có nhà máy điện hạt nhân”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh có mục tiêu, lộ trình rồi thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Bên cạnh đó, phải xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm, các công việc của mỗi năm; các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan phải hình dung, đề xuất công việc, nhiệm vụ cụ thể của mình gửi Bộ Công Thương để tổng hợp.
Chỉ đạo một số việc cần làm ngay, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cần thiết, hoàn thành trước ngày 28/2.
Về nhân lực, hiện Việt Nam đã có khoảng 400 nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân, Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan tập trung ngay đội ngũ nhân lực này, đồng thời xác định rõ nhu cầu đào tạo và báo cáo, đề xuất ngay.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phải hình thành tổ chức chuyên trách, chuyên nghiệp để triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân này và chuẩn bị cho các dự án khác trong tương lai; Rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về xây dựng cơ chế đặc thù, hoàn thiện thể chế về thuế, tín dụng, đất đai, thu hút nhân lực…
Về nhiệm vụ chuẩn bị hạ tầng, Thủ tướng giao tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư, kêu gọi hợp tác công tư, thu hút đầu tư… để khai thác dân dụng sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận).
Tỉnh Ninh Thuận cũng được yêu cầu chuẩn bị hạ tầng giao thông, điện, nước, văn hóa, giáo dục, thể thao… để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà máy và phục vụ đội ngũ nhân lực triển khai dự án.
Ngoài ra, Ninh Thuận cần đề xuất và triển khai các công việc liên quan giải phóng mặt bằng, chính sách cho người dân nhường mặt bằng cho dự án. Người đứng đầu Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan trong triển khai hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
-
Nhu cầu nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận lên tới hàng nghìn người
Việt Nam cần khoảng 2.400 nhân lực trong trường hợp tái triển khai 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
-
Ngành điện hạt nhân ở Việt Nam đón tin vui, Nga sẵn sàng hỗ trợ
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết Nga đã hợp tác với nhiều nước trong phát triển điện hạt nhân và sẵn sàng tham gia xây dựng ngành công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam.
-
“Ông lớn” năng lượng Mỹ thông tin về dự án nhà máy nhiệt điện 2,1 tỷ USD tại Ninh Thuận
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, đại diện Tập đoàn AES (Mỹ) đã báo cáo về tiến độ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II mà tập đoàn này đang đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận....
-
Doanh nghiệp FDI có hơn 3.000 lao động làm việc tại Việt Nam muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực điện gió
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo Doosan Vina mong muốn Việt Nam tạo điều kiện để công ty tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như tìm kiếm các cơ hội, thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư tron...