Ngày 2/1, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân.
Tại Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân ngày 2/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cuối tháng 11/2024, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn, đúng, trúng và phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi, nhu cầu về năng lượng tăng lên rất nhanh trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam, song nguồn năng lượng truyền thống không còn dư địa phát triển.
Hiện thủy điện hết dư địa, điện than gây phát thải lớn, các nguồn điện khác như điện gió, mặt trời phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, trình độ khoa học, kỹ thuật như: công nghệ lưu trữ năng lượng điện, truyền tải điện bằng hệ thống lưới điện thông minh... Cùng với đó, điện hạt nhân được xác định là nguồn điện sạch, điện nền do có khả năng đạt đỉnh công suất thiết kế nhanh, rất phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có điều kiện phát triển nguồn điện hạt nhân, 15 năm trước qua khảo sát xác định, có đến 13-14 địa điểm có thể phát triển điện hạt nhân. Đặc biệt, Việt Nam có địa hình dài từ Bắc đến Nam nếu phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ thì càng phù hợp.
“Trước đây, mới tính đến 1-2 nhà máy chúng ta đã cần vài ngàn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, nếu phát triển nhiều nhà máy hơn (kể cả cho nhu cầu xuất khẩu nhân lực sang các nước trong khu vực) thì vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực kỹ thuật là vô cùng quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết nhu cầu nhân lực vận hành nhà máy điện hạt nhân với 2 tổ máy (công suất 2.000 MW) là khoảng 600-1.200 người. Con số này dựa trên khuyến cáo của Tổ chức năng lượng nguyên tử (IAEA) và một số tập đoàn, cơ quan về điện hạt nhân. Trong đó, có những người ở vị trí quan trọng cần được đào tạo và có kinh nghiệm thực tiễn từ 5-10 năm.
Với Việt Nam, theo ông Lý Quốc Hùng, nhu cầu nhân lực cần tới 1.200 người một nhà máy. Số này đảm bảo cho các vị trí như kiểm soát an toàn và bảo vệ bức xạ, quản lý dự án, nhà máy, vận hành khai thác - điều hành các lò, bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật.
Như vậy, trường hợp tái triển khai cả hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (công suất 2x2.000 MW), nhu cần nhân lực tương ứng là 2.400 người.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm một số quốc gia đã phát triển loại năng lượng này, Việt Nam còn cần khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành luật về hạt nhân, chuyên gia nghiên cứu và phát triển (R&D)... Những nhân lực này nhằm phục vụ nghiên cứu, quản lý, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các cơ quan liên quan phải khẩn trương dự kiến được nhu cầu, quy mô lĩnh vực chuyên môn cần đào tạo xong trong quý 1/2025.
Cùng với đó, cần phải đánh giá khả năng thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân và hệ sinh thái năng lượng hạt nhân tại Việt Nam của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài ngành Công Thương.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các cơ sở này cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được giao chỉ tiêu đào tạo phát triển nguồn nhân lực thông qua các cơ sở đào tạo nghiên cứu của mình và phải làm xong trong quý 2/2025.
-
Nga sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Đại sứ Nga tại Việt Nam khẳng định với năng lực hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hạt nhân, Nga luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam phát triển năng lượng hạt nhân.
-
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với tỉnh Ninh Thuận về dự án điện hạt nhân
Tổng Bí thư mong muốn người dân tỉnh Ninh Thuận chia sẻ nguồn lực để xây dựng dự án điện hạt nhân góp phần phát triển đất nước.
-
Hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận chậm nhất trước 31/12/2031
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với các bộ ngành, địa phương liên quan.
-
Cột mốc quan trọng của dự án điện khí 1,4 tỷ USD tại Nhơn Trạch, Đồng Nai
Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 có quy mô công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD. Đây là nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam.
-
Nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới với công suất 5,2 GW, rộng gần bằng 10.000 sân bóng đá
Đây sẽ là nhà máy điện mặt trời 24/7 đầu tiên trên thế giới đi kèm hệ thống lưu trữ năng lượng pin (BESS) tương ứng.