Chiều 10/4, tại Thượng Hải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn Chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Sự kiện có sự tham gia của khoảng 400 đại biểu doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ ấn tượng trước sự phát triển mạnh mẽ, năng động của thành phố Thượng Hải - một trung tâm kinh tế hàng đầu, hiện đại và phát triển bậc nhất của Trung Quốc.
Quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, theo Chủ tịch Quốc hội, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều tiến triển mới. Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương năm 2023 tăng trưởng tích cực, đạt hơn 170 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới và đối tác lớn nhất trong khu vực ASEAN.
Về đầu tư, Trung Quốc có hơn 4.400 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 27,6 tỷ USD, đứng thứ 6/145 đối tác đầu tư của Việt Nam. Trong năm 2023, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD, tăng gần 80% so với cùng kỳ và đã có sự xuất hiện của nhiều tập đoàn có quy mô quốc tế trong các lĩnh vực như: công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng mới...
Cho rằng doanh nghiệp hai nước có đầy đủ khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi để kết nối giao thương và hợp tác, để cùng trở thành những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của khu vực cũng như toàn cầu, Chủ tịch Quốc hội gợi mở một số định hướng để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của hai bên, đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực sự là trụ cột hợp tác giữa hai nước.
Một là, tăng cường hợp tác giữa Quốc hội, Chính phủ và các địa phương hai nước để chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách, pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh thích ứng với thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ và môi trường quốc tế hiện nay.
Hai là, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế trên tinh thần “cùng thắng, cùng có lợi”, đặc biệt là cùng cụ thể hóa kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua, nhất là triển khai kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai, con đường”; nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; các bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực phát triển xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, dữ liệu số...
Ba là, Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc, Thượng Hải đầu tư vào các lĩnh vực như: khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế nhân tạo, chuyển đổi số, trung tâm tài chính, tài chính xanh, phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược sân bay, cảng biển, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, linh kiện điện tử, ô tô điện, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao...
Nhấn mạnh, đây là những ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng phát triển, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đưa các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu.
Bốn là, đẩy mạnh cơ chế hợp tác giữa Chính phủ với Chính phủ (G2G), Hiệp hội với Hiệp hội và doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) để thúc đẩy, khơi thông các dòng chảy thương mại, đầu tư, phát huy thế mạnh của mỗi nước trong bối cảnh mới.
Năm là, các cơ quan hữu quan Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác song phương, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường đối với nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thông quan để hạn chế tình trạng ùn tắc thương mại tại cửa khẩu.
Ông Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, xây dựng khung pháp lý minh bạch, công bằng, toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh thuận lợi, thành công tại Việt Nam.
-
Những con số ấn tượng về đường sắt cao tốc Bắc Nam hơn 67 tỷ USD
Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD đang thu hút sự chú ý với những con số đầy ấn tượng. Với chiều dài hơn 1.500km từ Hà Nội đến TP.HCM, siêu dự án này hứa hẹn mang đến bước ngoặt lớn cho hạ tầng giao thông và phát triển...
-
Động thái mới của Quốc hội về dự án đường sắt cao tốc hơn 1,7 triệu tỷ đồng
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
-
Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc muốn tham gia đầu tư đường sắt tại Việt Nam
Chiều 17/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp xã giao ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC).