Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo về Đô thị hóa khu vực Đông Á trong giai đoạn 2000-2010. Đây là lần đầu tiên tổ chức này có thể so sánh các khu đô thị và dân số đô thị một cách nhất quán trên toàn khu vực Đông Á.
Theo báo cáo này, Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cả về không gian và dân số, nhất là tại hai thành phố TP HCM và Hà Nội. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa của hai thành phố này lần lượt ở mức 3,8 và 4% mỗi năm, cao hơn tất cả các các nước khác trong khu vực, trừ Trung Quốc.
Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến hai thành phố Hà Nội và TP HCM trở nên chật chội. Ảnh: Aaphoto
Tính đến hết thập kỷ trước, Việt Nam có 2.900 km vuông đất đô thị, chiếm đến 0,9% tổng diện tích đất. Tại khu vực Đông Á, Việt Nam có diện tích đất đô thị lớn thứ năm, lớn hơn cả Thái Lan và Hàn Quốc.
Về dân số, hiện có 23 triệu người Việt đang sống trong các khu đô thị. Trong 10 năm tính đến 2010, mỗi năm dân số đô thị Việt Nam tăng thêm 4,1%, tốc độ cao thứ ba trong khu vực chỉ sau Lào và Campuchia.
Một điểm đặc biệt khác của Việt Nam là 50% diện tích đất đô thị nằm ở Hà Nội và TP HCM. Trong quá trình đô thị hóa, khoảng cách giữa hai thành phố lớn nhất nước ngày càng cách xa với những đô thị còn lại.
Vấn đề đô thị hóa nhanh gây ra một số hệ quả. Dù hai đô thị lớn này liên tục được mở rộng, nhưng ngày càng trở nên rất chật chội, theo đánh giá của World Bank. Tính đến 2001, mật độ dân số các khu đô thị Việt Nam là 7.700 người mỗi km2, tăng so với tỷ lệ 6.800 người mỗi km2 hồi 2000. Tại TP HCM, tuy diện tích của thành phố được mở rộng nhưng 80% mức tăng dân diễn ra ở nội thành. Dân số các quận nội thành đều tăng, khiến khu vực trung tâm đô thị TP HCM ngày càng đông đúc hơn.
Một thách thức khác mà các đô thị Việt Nam phải đối mặt là tình trạng tắc nghẽn giao thông. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam cần phải sử dụng nhiều loại hình giao thông công cộng khác nhau, không chỉ tập trung cơ sở hạ tầng cho ôtô.