Năm 2009, cả nước chỉ có khoảng 140 Việt kiều chính thức được mua nhà tại Việt Nam. Đây là con số quá ít nếu so với hơn 4 triệu kiều bào sinh sống ở nước ngoài…

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng - nơi dự kiến thu hút nhiều Việt kiều mua nhà (Ảnh: NLĐ)
Vướng mắc nằm chính ở Luật, nhưng khi Luật sửa đổi bổ sung thông thoáng hơn thì cũng rất ít trường hợp Việt kiều mua được nhà tại Việt Nam. Đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ khi luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2009.

Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ từ bỏ một công việc với mức lương cao tại một trường Đại học ở Canada để về VN đã hơn 5 năm nay, hiện ông vẫn phải thuê nhà để ở. Theo Luật, ông nằm trong 5 đối tượng được mua nhà ở VN, nhưng thực tế việc chứng minh nguồn gốc Việt quá phức tạp tại các cấp hành chính, nên ông từ bỏ ý định này. Ông không biết phải đến đơn vị nào để xác định xem trường hợp của mình có đủ điều kiện hay không.

GS.TSKH Huỳnh Hữu Tuệ, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà cho biết: “Khó là ở chỗ, ở trên thì quy định rất rộng, nhưng khi đi vào cơ chế, nhất là mức hành chính thì không dễ như mình tưởng. Tôi khẳng định tôi là người Việt, vì tôi đi khắp thế giới với hộ chiếu Việt Nam, nhưng khi tôi mua nhà thì phường hay thị xã đó chưa chắc họ chấp nhận tôi là người Việt, mặc dù tôi đưa giấy tờ tôi là người Việt. Họ bảo, nếu tôi là người Việt thì phải có chứng minh thư thì họ mới xem là người Việt Nam, có nghĩa là tôi phải hồi hương một cách chính thức và toàn bộ”.

Thời hạn cư trú tại VN để thoả mãn điều kiện được mua nhà được rút từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Tuy nhiên, Luật không xác định rõ liên tục hay ngắt quãng, khiến Việt kiều chẳng biết thế nào là đủ điều kiện. Họ cho rằng, vướng mắc nhất vẫn là xác minh nguồn gốc Việt. Những Việt kiều không giữ được giấy khai sinh hay hộ khẩu, và không còn bà con thân thích thì không thể xác nhận được.

Ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần PT và ĐT Đại Sơn: “Các thủ tục đi kèm để người Việt kiều về VN mua nhà vẫn chưa phải là thông thoáng. Theo quan điểm của tôi, có quá nhiều giấy tờ đi kèm để mua được một căn nhà và những người nước ngoài khi trở về VN mua nhà thì thời gian của họ không có nhiều, và để đi làm tất cả các thủ tục đó thì họ phải bỏ hết công ăn việc làm ở bên kia và thời hạn về VN thì rất ngắn”.

Nguyên nhân của những vướng mắc trên là do Chính phủ chưa có Nghị định hướng dẫn cụ thể nên không chỉ kiều bào lúng túng, mà các cơ quan chuyên môn cũng không có căn cứ để thực thi.

TS Luật học Lê Đình Vinh, Phó TGĐ Công ty Luật SMIC cho rằng: “Các cơ quan có thẩm quyền có thể linh hoạt tận dụng các quy định cũ trước đây trong khi chờ văn bản mới được ban hành”.

6 tháng đã trôi qua kể từ ngày Luật Nhà ở 2005 sửa đổi bổ sung có hiệu lực, Bộ Xây dựng cho biết, đã hoàn thành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, lấy ý kiến các cơ quan chức năng liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp và hiện đang trình lên Chính phủ thông qua.

Cafeland.vn
- Theo VTV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland